Khởi công dự án: Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh (14/11/2013)

Qua các cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới, địa bàn Quân khu 1 bị ô nhiễm bom mìn rất nặng nề; nhất là 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội tuyến biên giới Việt – Trung, chương trình phân giới cắm mốc biên giới, làm đường tuần tra biên giới và các chương trình, dự án khác đã giải phóng được gần 4.000ha đất dọc biên giới thuộc 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Nhưng thực tế 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn vẫn còn trên 3.000ha đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tai nạn do bom mìn, vật nổ vẫn tiếp tục xảy ra, gây đau thương, mất mát và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, sự phát triển của địa phương và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Được sự quan tâm của Ban Chỉ đạo Chương trình 504 của Chính phủ và Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan chức năng, đợt 1 của dự án thực hiện rà phá bom mìn vật nổ diện tích 657ha tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng và xã Quốc Khánh, huyejn Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, với vốn đầu tư là 74 tỷ đồng. Năm 2013, khởi công dự án thi công với diện tích 102ha của 2 tỉnh với kinh phí 13,8 tỷ đồng. Các đơn vị thi công gồm có: Lữ đoàn công binh N75, Quân khu 1, Tiểu đoàn công binh M7, Sư đoàn B, Quân khu 1 và Cụm 1, Trung tâm công nghẹ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh.

Thiếu tướng Phạm Thanh Sơn cho biết: Khó khăn lớn nhất của việc dò tìm bom mìn là địa hình phức tạp, cây cối rậm rạp, tỉnh Lạng Sơn có độ dốc cao, tỉnh Cao Bằng nhiều núi đá, điều kiện bảo đảm sinh hoạt cho bộ đội làm nhiệm vụ bị hạn chế; hơn nữa là kinh phí hạn hẹp. Nếu mỗi năm được cấp từ 5 đến 6 tỷ đồng thì phải mất khoảng 20 năm, quân khu mới giải quyết xong ô nhiễm bom mìn. Rà phá bom mìn cần được xã hội hóa, mọi tổ chức và các nhân ở trong nước cũng như ở nước ngoài cùng chung tay khắc phục.

An Hà