"Khối băng" bất tử
Ngay trước thềm chiến tranh, đầu tháng 6-1941, tướng Karbyshev dẫn đầu đoàn công tác đi khảo sát tình hình hệ thống các công trình phòng thủ tại biên giới phía Tây. Chiến tranh bất ngờ bắt đầu, ông cùng đoàn công tác bị kẹt lại tại Sở chỉ huy Tập đoàn quân số 10, Phương diện quân Miền Tây. Nỗ lực phá vây không thành, lại bị thương nặng, đầu tháng 8-1941, Karbyshev bị bắt làm tù binh tại làng Dobreyka, Mogilev thuộc Belorussia.
Từ đây, bắt đầu hành trình đày ải gần 4 năm trong các trại tù binh của nhà khoa học quân sự Xô Viết.
Thoạt đầu, biết được tài năng xuất chúng của vị kỹ sư công binh, giới chức Đức tìm mọi cách thuyết phục, mua chuộc để ông đồng ý hợp tác với họ. Nào là đề nghị ông sang phục vụ họ với mọi đặc ân về đảm bảo vật chất, điều kiện nghiên cứu khoa học… Nào là được tiếp tục mang quân hàm Trung tướng, được phép lựa chọn tùy ý hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của quân Đức đều cho kết quả là con số 0.
Không khuất phục nổi ý chí cũng như tinh thần của Karbyshev, người Đức nổi cơn thịnh nộ và chuyển ông qua nhiều nhà tù khổ sai cùng với việc tra tấn dã man, đối xử tàn bạo. Bất chấp các thủ đoạn, bất chấp bị tra tấn, bệnh tật và tuổi tác, Karbyshev vẫn không hề nao núng. Ở trại nào, ông cũng tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh của các tù binh và là một tấm gương sáng về cách cư xử, về biểu tượng của tâm hồn của một người lính Nga, một chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
Bằng mọi cách, ông khêu gợi trong họ lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và kiên cường đấu tranh trong ngục tù cũng như tinh thần lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng không xa.
Với phương châm “không mất lòng tự hào cho dù vào cảnh ngộ tồi tệ nhất”, Karbyshev chính là nguồn cảm hứng cho nhiều tù binh Hồng quân trong những tháng ngày đen tối.
Trại giam Mauthausen (Áo), đêm 17-2-1945. Trước thất bại không thể tránh khỏi trong một tương lai gần, quân Đức điên cuồng thủ tiêu tù binh. Tướng Karbyshev cùng một nhóm tù binh khoảng 400 người bị lùa ra khỏi nơi giam giữ, rồi được đưa vào nhà tắm và xả nước lạnh trong điều kiện thời tiết mùa Đông băng giá. Những người cố gắng chạy khỏi dòng nước lạnh đều bị lính Đức dùng dùi cui đánh vào đầu cho đến chết. Riêng tướng Karbyshev vẫn dũng cảm chịu đựng đến nửa đêm và anh dũng ra đi vào sáng ngày 18-2 ở tuổi 65, khi những cơn gió lạnh làm ông biến thành một bức tượng đóng băng.
Để ghi nhớ công lao của vị kĩ sư lỗi lạc đã cống hiến cho Tổ quốc cũng như ghi nhận tinh thần dũng cảm bất khuất của vị tướng công binh, Nhà nước Xô Viết đã truy tặng ông danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Nhiều đài tưởng niệm ông được dựng lên tại nhiều thành phố như Moscow, Omsk, Kurgan, Kiev, Tallin, Vladivostok.
Tên ông được đặt cho một đại lộ tại Moscow, một hành tinh nhỏ của hệ Mặt trời, nhiều con tàu, trường học, nhà máy, đồn biên phòng...
Còn tại lối vào của nơi trước kia là trại tập trung Mauthausen nơi ông hi sinh, có một đài tưởng niệm ông. Đài tưởng niệm lấy cảm hứng từ hình ảnh Trung tướng Karbyshev bị đóng băng khi hi sinh với hai tay khoác lên nhau và đặt trước ngực chịu đựng những làn nước lạnh trong thời tiết mùa Đông băng giá.
Đăng Song