Dư luận chung ủng hộ. Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế thì lại băn khoăn. Có ý kiến khẳng định như “đinh đóng cột” là Bộ Tài chính khoán thế sẽ còn nhiêu khê và phức tạp hơn cả không khoán, thậm chí có khi còn tốn hơn. Đơn cử như việc tính đoạn đường từ nhà đến cơ quan để quy ra tiền xe khoán cho cán bộ thì thật là rầy rà, vì người ở xa, người ở gần; người nay ở đây, sang năm ở chỗ khác…
Mà khoán “mỗi tí” thế thì chiếc xe lâu nay chở cán bộ chỉ được “chơi” thời gian cán bộ đi và về nhà, còn 8 giờ “vàng ngọc” vẫn phải phục vụ…
Tóm lại, lối khoán này vẫn là khoán của tư duy bao cấp, mà nên khoán chung vào lương thành từng cấp mới hiệu quả. Còn cán bộ đến các nơi làm việc thì Văn phòng của cơ quan đó thuê theo chuyến của các công ty tư nhân chuyên cho thuê xe.
Tốt nhất là nên tham khảo các nước để vận dụng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể: Nhật Bản chỉ duy trì một lượng rất ít xe công vụ. Đón khách, kể cả khách VIP Chính phủ cũng thuê lại xe của các công ty chuyên cho thuê xe chở khách VIP.
Còn ở Trung Quốc, tôi nhớ tháng 9-2011, tôi trong đoàn tháp tùng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch (nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) sang thăm chính thức nước CHND Trung Hoa. Ngay sau khi xuống sân bay Bắc Kinh, Đoàn ta được bạn đưa đến ở một khách sạn dân sự, cách Đại Lễ Đường nhân dân không xa. Hằng ngày khách sạn thuê xe (kể cả xe dẫn đường, khi cần thiết) chở đồng chí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các thành viên của Đoàn đi làm việc trong suốt thời gian ở Bắc Kinh.
Hôm tiễn Đoàn ra sân bay về nước, khách sạn cử cán bộ, nhân viên của chính khách sạn với trang phục đẹp, đứng thành hai hàng tiễn đoàn…
HUY THIÊM