Khó có chủ đề nào lại thu hút sự quan tâm của toàn xã hội như… giá điện. Từ các quán trà đá vỉa hè đến diễn đàn Quốc hội, từ mạng xã hội đến các cơ quan báo chí lớn của đất nước đều vào cuộc thảo luận về giá điện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, trả lời để nhân dân được rõ. Các cơ quan như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước  đã và đang vào cuộc nhằm làm rõ vấn đề “quốc kế, dân sinh” đang được quan tâm nhất hiện nay.

Tại sao giá điện tăng mà lại gây nên những luồng dư luận trái chiều đến vậy? Trên diễn đàn Quốc hội, thảo luận tại tổ ngày 22-5, đại biểu Lê Thu Hà - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội - qua tham khảo ý kiến một số chuyên gia cho rằng giá điện không tăng 8,36% như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) công bố.

Bóc tách thực tế tăng giá điện lũy tiến so với mức cơ sở trước khi tăng giá của các chuyên gia kinh tế cho thấy: Người tiêu dùng ở bậc 6 (từ 401kwh trở lên) phải chi trả đến 2.927 đồng cho 1kwh. Mức này tăng đến 189% so với giá cơ sở (1.549 đồng), và tăng đến 15% so với bậc 6 trước khi chưa tăng giá - không phải là 8,37% như EVN đệ trình để Chính phủ thông qua cho bậc 6.

Đối với bậc 3 (101-200kwh) theo EVN là phổ cập, thì mức giá mới 2.014 đồng sẽ có sự gia tăng lên 130% so với mức cơ sở (1.549 đồng), tăng hơn 10% so với giá cũ, khác với 8,4% mà EVN thông báo. Tương tự, sự gia tăng giá điện ở bậc 4 (201- 300 kwh) là 12,7%, và ở bậc 5 (301-400kwh) là 14.2%. Như vậy thực chất mức tăng mới là 10, 12,7, 14,2, 15%, khác với 8,33-8,4% trong đề xuất trình Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Lê Thu Hà chỉ ra rằng: “Phần lớn người dân phải chịu mức tăng lũy tiến ở các bậc tương ứng so với mức cơ sở trước tăng giá. Cách giải trình của EVN ẩn đi một lần tăng giá, làm cho tỷ lệ phần trăm tăng giá thấp hơn”.

Ý kiến của đại biểu Lê Thu Hà đã nói lên một phần những ẩn ức mà người dân muốn được làm rõ. Vấn đề mà người dân cần ở đây không chỉ là chuyện tăng giá điện cụ thể, mà quan trọng hơn là việc minh bạch giá đúng của 1kwh điện (chi phí sản xuất đích thực mỗi kwh điện, quản lý phí từng kwh điện).

Trên thực tế, việc xác định chi phí nào được tính hoặc không được tính vào giá điện không đơn giản, bởi EVN có rất nhiều khoản chi ứng với các hoạt động rất đa dạng. Trong quá trình kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện các năm trước đây, đã có trường hợp tranh luận giữa các thành viên đoàn kiểm tra về việc chi phí nào được tính vào giá điện, ví dụ chi phí cho Tạp chí Điện lực có được tính vào giá điện hay không?

Các doanh nghiệp này cho rằng việc công ty điện lực vừa là bên bán điện (hưởng doanh thu từ sản lượng điện thương phẩm), lại đảm nhận việc tuyên truyền tiết kiệm điện cho người sử dụng là có dấu hiệu xung đột lợi ích. Hơn nữa, việc đưa chi phí này vào giá điện cũng không phù hợp với nguyên tắc “giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện”. Điều đáng chú ý là chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện của các công ty điện lực lại tăng khá nhanh. Theo báo cáo của EVN gửi cho đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện, tổng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện năm 2016 là 331 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 488 tỷ đồng, tức là tăng 157 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 47%. Trong khi đó, hiệu quả của công tác này hiện chưa thực sự rõ ràng, thiếu những đánh giá khách quan.

Chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện mà lại hạch toán vào giá điện là điều khá trớ trêu. Hoặc như cách tính lũy tiến giá điện theo 6 bậc giá như hiện nay hoàn toàn không tuân thủ quy luật thị trường. Câu chuyện khôi hài đang lan tỏa trên mạng xã hội hiện nay là ông Giám đốc một công ty điện lực vào nhà hàng ăn phở, bát một được tính giá 50.000 đồng, ông ăn thêm bát nữa bị tính giá 100.000 đồng. Ông này không chịu liền bị bà chủ quán nói: “Hãy về xem lại cách tính giá điện của ông đi”.

Giá bán thì như vậy, giá mua điện của EVN cũng đang lộ nhiều bất cập. Các địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận rất phản đối đề xuất của EVN là mua điện gió ở những địa phương này với giá rẻ hơn giá điện gió ở khu vực miền Bắc với lý do vùng này dễ khai thác nguồn năng lượng điện gió?

Xem ra, hình như EVN quên mình là doanh nghiệp, thích hành xử theo kiểu “một mình một chợ”. Trong báo cáo giải trình việc tăng giá điện, Bộ Công thương còn kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo báo chí “Không đưa tin trái chiều và có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.

Ô hay, cái kiểu “ta đây hàng quốc cấm” đòi bịt miệng báo chí tưởng đã lỗi thời lâu rồi chứ nhỉ!

Nguyễn Hồng