Khổ cả đôi đường

Nghề bác sĩ thường có thu nhập cao ở châu Âu. Vậy nên, khi bác sĩ đình công đòi tăng lương, đời sống của họ ắt phải rất khó khăn. Bác sĩ khổ vì lương không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, nhưng khi họ đình công thì nỗi khổ ấy lại dồn sang cả những bệnh nhân.

Báo chí Anh đưa tin, các bệnh viện ở nước này vừa phải đối mặt với cuộc đình công mới nhất của các bác sĩ cấp cao, Cuộc đình công 2 ngày, bắt đầu từ sáng 20-7 của các bác sĩ tư vấn diễn ra trong bối cảnh số bệnh nhân chờ khám và điều trị tại Anh ở mức cao kỷ lục, do tồn đọng trong thời kỳ đại dịch. Các bác sĩ đình công không chỉ dừng thăm khám bệnh nhân, mà còn không giám sát công việc của các bác sĩ cấp dưới, điều đó ảnh hưởng đến hàng nghìn cuộc hẹn thăm khám bệnh nhân.

Các bác sĩ tư vấn đang có mức lương khoảng 88.000-119.000 bảng Anh/năm (113.000-153.000 USD). Thế nhưng, họ đình công đòi được trả mức lương "đáng tin cậy" sau nhiều năm tăng lương không theo kịp lạm phát, khiến lương thực tế của họ bị giảm.Hiệp hội y khoa Anh (BMA) đại diện cho các bác sĩ tư vấn cho biết lương thực tế của họ đã giảm 35% kể từ năm 2008.

Trong khi đó, Thủ tướng Anh - Rishi Sunak cảnh báo Chính phủ sẽ không đàm phán về mức lương cao hơn, nhưng thực tế cho thấy các cuộc đình công trước đó của các bác sĩ cấp dưới đã thành công khi mức lương của họ được tăng 5%.  

Chính phủ Anh quả là đang ở thế khó khi không chỉ nhân viên Ngành Y tế mà ở nhiều lĩnh vực khác cũng đình công đòi tăng lương để đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của mình, nhưng nếu tăng lương cho tất cả các đối tượng thì ắt lạm phát sẽ lại tăng và việc tăng lương trở nên mất ý nghĩa.

Nam Long