“Khó bằng đường… lên giời”!
Chuyện là: Hồi năm 2017, Sở này giải quyết đơn khiếu nại của một trường hợp tử sĩ ở xã X, huyện Giao Thủy đã chết cách đây hơn 30 năm. Trong hồ sơ quân nhân từ trần (tử sĩ) của ông Đ. do BHXH tỉnh Nam Định quản lý, theo dõi, trong đó có Quyết định từ năm 1982 của Ty TBXH tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) về việc trả thêm cho thân nhân của ông Đ. một khoản trợ cấp bằng 270 đồng để cho đủ khoản trợ cấp tuất 1 lần theo điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm đã quy định. Người nhận trợ cấp là ông Q. (bố đẻ ông Đ.)… Đến nay ông C. là anh của ông Đ. có đơn gửi đến cơ quan chức năng Ngành LĐTBXH, phản ánh gia đình, thân nhân ông Đ. chưa nhận được Giấy báo tử và tiền trợ cấp một lần khi quân nhân Đ. từ trần?
Vì không còn lưu trữ các giấy tờ, hồ sơ chi trả chế độ cho trường hợp này, Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định đành phải làm công văn “cầu cứu” Cục Người có công - Bộ LĐTBXH. Trong công văn có nêu nguyên nhân để xin hướng dẫn: Trường hợp này chết đã quá lâu, hồ sơ lưu trữ không đầy đủ; tách chuyển BHXH ra khỏi Ngành TBXH; hệ thống các cơ quan thực hiện chi trả chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước đối với người hy sinh, từ trần đã thay đổi theo từng thời kỳ và được chia tách, sáp nhận hoặc giải thể; các chứng từ chi trả trợ cấp đối với các đối tượng chính sách thường được lưu trữ, quản lý trong khoảng thời gian nhất định, khi chia tách, di chuyển địa điểm hoặc thay đổi cơ quan chi trả trước đây không có bàn giao cụ thể…
Công văn xin “cầu cứu” này còn nhắc đến một văn bản mà Cục Người có công gửi Sở LĐTBXH Nam Định hướng dẫn cách giải quyết về trường hợp của tử sỹ Đ. trước đó. Theo đó, Cục Người có công đề nghị ngành LĐTBXH tỉnh Nam Định kiểm tra, xác minh nếu có cơ sở pháp lý khẳng định thân nhân ông Đ. đủ điều kiện mà chưa được giải quyết chế độ tử sĩ thì “Giải quyết truy lĩnh theo mức quy định tại thời điểm đó”.
Việc hướng dẫn này đã đẩy Sở LĐTBXH Nam Định rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Theo giải thích, nếu làm theo hướng dẫn sẽ khiến cho sự việc trở lên rối rắm và khó khăn trong cách giải quyết, không thể thực hiện được.
Sở này nêu lý đo: Tại tỉnh Nam Định hiện nay có rất nhiều trường hợp liệt sĩ, tử sĩ đã hy sinh, từ trần từ rất lâu (trên 30 năm đến 60 năm); bố mẹ liệt sĩ, tử sĩ (có tên trong quyết định, danh sách hưởng trợ cấp lưu tại cơ quan) đã chết, nay thân nhân (là anh, chị em hoặc cháu) có đơn phản ánh đến cơ quan chức năng về việc gia đình chưa nhận được Giấy báo tử và tiền trợ cấp một lần sau khi quân nhân hy sinh hoặc từ trần. Khi nhận được đơn, thì hầu hết Ngành LĐTBXH các cấp ở Nam Định tích cực vào cuộc truy tìm chứng cứ nhưng không thể tìm thấy (bởi các lý do như đề cập ở trên).
Một vấn đề nữa khi thực hiện theo hướng dẫn của Cục Người có công trong việc giải quyết của trường hợp tử sĩ Đ. như nêu trên, còn nảy sinh các vấn đề:
Thứ nhất, nếu tử sĩ Đ. được tổ chức báo tử lại và nhận tiền trợ cấp thì sẽ có nhiều thân nhân liệt sĩ, tử sĩ khác sẽ có đơn phản ánh chưa nhận được báo tử, tiền trợ cấp sau báo tử. Trong khi cơ quan chức năng Ngành LĐTBXH không thể tìm được chứng từ thể hiện đã chi trả chế độ từ những năm 1960 hoặc 1980 trở về trước như đề cập nêu trên.
Thứ hai, nếu lấy mức trợ cấp ưu đãi tại thời điểm liệt sĩ hy sinh, tử sĩ từ trần để trả thì mức trợ cấp rất thấp; thân nhân liệt sĩ, tử sĩ sẽ không đồng ý, sẽ tiếp tục có đơn…, dễ gây nên những bất ổn cho xã hội...
Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng thiết nghĩ, trong thực tế cũng như “giãi bày” của Ngành LĐTBXH tỉnh Nam Định nêu trên, có một vấn đề rất cần mọi người cảm thông - nhất là thân nhân các liệt sĩ, tử sĩ. Bởi nếu có xem xét giải quyết kiến nghị chưa nhận được tiền tuất như trường hợp của thân nhân tử sĩ Đ. nêu trên thì đúng quả là “khó bằng đường lên giời”, các cán bộ hậu sinh cũng đành “bó tay mà thôi!
Tư Hoành