Ăn hoa quả rất tốt cho sức khỏe, nhất là khi đau ốm, vì cung cấp nhiều vitamin và các khoáng chất cho cơ thể. Tuy nhiên, khi đang bị bệnh phải uống thuốc thì cần biết sự tương tác giữa một số loại hoa quả với thuốc để tránh ăn, nếu không sẽ gặp nhiều nguy hại

Uống thuốc dạ dày ăn quả chua: Loét hoàn loét
Nếu như uống thuốc dạ dày mà ăn các loại thực phẩm và quả chua như dứa, me, cam, chanh.. thì coi như bằng không, nhất là khi đang dùng các thuốc giảm tiết axit. Bởi thuốc giảm tiết axit được đưa vào điều trị nhằm giảm tiết axit trong dạ dày về mức tối thiểu, ngăn ngừa tình trạng phá hủy ổ loét. Axit được coi là chất ăn mòn và chất gây ra loét. Thuốc giảm tiết làm giảm lượng axit thì thực phẩn chua làm tăng lượng axit đưa vào. Như thế chẳng khác nào “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, loét vẫn hoàn loét. Vậy nên, với người bệnh viêm loét dạ dày kéo dài, khi đang dùng thuốc nhất định không được ăn thực phẩm chua.

Uống thuốc hạ áp mà ăn nho: Dễ nhập viện
Thuốc huyết áp là tâm điểm trong mối xung khắc này là các thuốc dòng chẹn canxi như nifedipin, verapamin. Hai thuốc này tác dụng bằng cách ức chế kênh canxi, làm canxi không thể vào được hệ thống cơ trươn thành mạch. Không có canxi, cơ không co được và do đó huyết áp được hạ xuống. Thuốc có tác dụng điều trị huyết áp và là một trong các thuốc được dùng tương đối rộng rãi cho người bệnh. Nhưng nếu dùng thuốc này mà lại ăn nho thì coi chừng khả năng nhập viện là rất cao. Vì nho làm tăng nguy cơ nhiễm độc thuốc hoặc quá liều thuốc. Nguyên nhân là trong nho có các chất ức chế men CYP3A4, một thành viên của nhóm các men chuyển hóa thuốc. Khi có mặt nho, thuốc bị tích lũy và chậm thải trừ. Do đó mà người bệnh có nguy cơ tăng nồng độ thuốc trong cơ thể khi dùng tiếp liều thứ hai trong khi liều thứ nhất vẫn chưa được chuyển hóa hết. Người ta đã thử nghiệm và thấy nho có thể làm tích lũy và gia tăng nồng độ thuốc khoảng 40% so với khi uống bằng nước thường. Vì thế, người bệnh có nguy cơ nhiễm độc thuốc hoặc gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.

Uống thuốc chẹn beta mà ăn táo: “Hết chẹn”
Thuốc chẹn beta là những thuốc có tác dụng ức chế thụ cảm thể beta nằm trên hệ thống tim mạch. Dùng thuốc này sẽ giúp chúng ta kiểm soát được nhiều bệnh như tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau đầu vận mạch. Đây cũng là thuốc cơ bản trong các thuốc tim mạch. Tuy nhiên, nếu như uống nhóm thuốc này mà ăn táo vô tội vạ thì mục tiêu điều trị không thể thành công. Nguyên nhân sâu xa nằm ở chất hoạt hóa trong táo. Trong táo có các chất hóa học gây ức chế sự hoạt động của polypeptid vận chuyển có tên là OATP.
OATP là một đoạn polypeptid quan trọng nằm trên màng ruột có vai trò vận chuyển thuốc tới tế bào bề mặt và hấp thu vào trong máu. Sự có mặt của táo hoặc nước táo làm cho đoạn polypeptid này không thể thực hiện vai trò của mình. Do đó, thuốc bị hạn chế hấp thụ. Nồng độ thuốc trong máu giảm và đó là lý do tại sao dùng thuốc chẹn beta mà không thể chẹn được thành công. Các thuốc bị ảnh hưởng đó là celiprolol và talinolol.
Ngoài táo, cam và bưởi Mỹ cũng là những loại quả tương tự như vậy. Do đó, cần tránh khi đang sử dụng thuốc chẹn beta trong điều trị các bệnh huyết áp, tim mạch…
BS Nguyễn Lâm Phúc