Khi “thượng đề” hiểu lầm

Trong kinh doanh, khách hàng là Thượng đế. Vậy nên, phục vụ Thượng đế không chu đáo hay để Thượng đế hiểu lầm dẫn đến mất tiền hoặc ảnh hưởng đến công việc thì hậu quả tất nhiên sẽ rất lớn.

Ngày 26-4, Công ty dịch vụ gọi xe trực tuyến Uber đã đồng ý nộp phạt 26 triệu AUD (khoảng 18,72 triệu USD), liên quan tới cáo buộc gây ra sự hiểu lầm cho hàng triệu khách hàng tại Australia về phạm vi ước tính đối với giá vé và các khoản phí do hủy đặt chuyến. Cáo buộc do Ủy ban Cạnh tranh và người tiêu dùng Australia (ACCC) đệ trình lên Tòa án Liên bang Australia cho biết: Theo chính sách của Uber, khách hàng có 5 phút kể từ khi tài xế chấp nhận đơn đặt hàng chuyến đi để hủy dịch vụ đặt xe mà không phải chịu bất kỳ khoản phí nào.

Chính sách rõ ràng là vậy, nhưng từ tháng 12-2017 đến 9-2021, ứng dụng đặt xe trực tuyến của Uber đã phát đi cảnh báo rằng nếu những người dùng hủy chuyến đi sẽ “có thể bị tính một khoản phí nhỏ vì tài xế của bạn đã trên đường đến” ngay cả trong khoảng thời gian 5 phút sau khi tài xế nhận lệnh đặt xe. Vậy là, theo điều tra của ACCC, hơn 2 triệu người dân Australia đã nhận được cảnh báo trên, dẫn đến việc nhiều người quyết định không hủy chuyến do lo ngại mất phí, theo đó ảnh hưởng đến quyền lợi và kế hoạch của họ. Chủ tịch ACCC - Gina Cass-Gottlieb cho rằng: Uber đã lừa dối khách hàng Australia trong một khoảng thời gian dài với thông báo trên.

Uber đã đồng ý với các cáo buộc của ACCC và tham gia đệ trình chung lên Tòa án Liên bang Australia để chịu khoản tiền phạt 26 triệu AUD nói trên. Tuy nhiên, Công ty vẫn cần phải chờ sự chấp thuận từ tòa án. Bài học phải trả giá đắt của Uber chẳng những giúp giới kinh doanh phục vụ khách hàng tốt hơn mà còn làm gương cho các cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, người tiêu dùng ở các quốc gia khác.

Nam Long