Khí thế mới, động lực mới tiến vào năm mới

Cả nước đang hừng hực khí thế mới và động lực mới, tự tin bước vào năm 2025 tăng trưởng bứt phá với khát vọng chuyển mình để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Năm 2025 đã tới. Đây là năm rất quan trọng với Việt Nam.Bởi đây là năm cuối của kế hoạch 05 năm 2021-2025, là năm sẽ tổ chức Đại hội Đảng và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2026-2030, là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 – 2030, tạo nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong công điện phát đi ngày 28/12/2024 về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: “Ưu tiên cao nhất thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2025 ở mức hai con số , hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 - kỷ niệm 100 thành lập nước… Đây không chỉ là thách thức mà còn là khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Những con số thống kê và các báo cáo quan trọng đều khẳng định những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm 2024 và trong giai đoạn 2020-2024 đã tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Từ năm 2020 đến nay, thế giới biến động hết sức phức tạp tác động không nhỏ, cả trước mắt và lâu dài đến kinh tế - xã hội trong nước. Nhưng chúng ta đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, và đã đạt được những kết quả quan trọng trong tâm thế tự tin, bản lĩnh, chủ động và khẳng định được tầm vóc, vị thế, uy tín của đất nước trong xu thế phát triển của nhân loại về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới, tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Năm 2024 đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu. Dù cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia nhưng Việt Nam ta vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu. Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) ở đất nước ta. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.

Chúng ta đã thực sự gặt hái được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ, cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, phải trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Có được thành tựu này trước hết là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân cả nước với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chúng ta đã nỗ lực không ngừng nghỉ để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển. Đó cũng là tầm nhìn về thời điểm “hội tụ” các lợi thế, sức mạnh để cất cánh, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Chúng ta đã khẳng định quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá” cho phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiểm tra, giám sát. Qua đó, giải phóng được nguồn lực.

Chúng ta đã hoàn thành Dự án đường dây 500kV mạch 3 có quy mô một tỷ USD chỉ trong 6 tháng. Đây là biểu tượng của sức mạnh niềm tin, sự đoàn kết, tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Đây là bài học quý về tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của Chính phủ, mà trực tiếp là đồng chí Thủ tướng Chinh phủ Phạm Minh Chính.

Đó là những thành tựu đáng tự hào nhưng không thể hài lòng và tự mãn bởi tồn tại, hạn chế bất cập còn nhiều. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn trong chiều suy giảm. Khoảng cách tụt hậu so với thế giới đang xa thêm ra và vẫn trong vùng bẫy thu nhập trung bình. Thực tiễn đó cho thấy cần phải thấy rõ những bài học kinh nghiệm trong quản lý, trong điều hành.

Đất nước ta, dân tộc ta đã đi qua Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và Kỷ nguyên đổi mới. Giờ đây Tổng bí thư Tô Lâm đã kỳ vọng về một kỷ nguyên mới- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng bí thư cũng đã có những chỉ đạo, và hành động quyết liệt để tạo nền tảng, tạo bước đi vào kỷ nguyên này. Tổng bí thư cũng đã chỉ rõ trong 20 năm tới, nước ta phải tăng trưởng cao, phấn đấu ở mức 2 con số (10% trở lên) để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.  

Như Tổng bí thư đã nói: Nhiệm vụ trong thời gian tới rất nặng nề, khó khăn và khẩn trương, cấp bách…

Rõ ràng, để bước vào kỷ nguyên vươn mình, để mục tiêu và khát vọng thành hiện thực chứ không chỉ là giấc mơ của nhân dân, là lời nói của lãnh đạo thì phải thẳng thắn nhìn vào thực tiễn những mặt trái để xóa bỏ, để khắc phục, Trong chỉ đạo điều hành, xây dựng chính sách và pháp luật phải kiên trì, kiên định tinh thần đột phá, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể để phục vụ.  Mọi quyết định, mọi chính sách ban hành ra đều phải hướng tới mục tiêu “mang lại hạnh phúc cho người dân”.

Để vươn mình, để đạt mục tiêu, ngay trong năm mới 2025, việc cần làm đầu tiên cần nói đến là tập trung nghiên cứu, cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của Đảng về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Bên cạnh đó, quản trị quốc gia là vấn đề rất quan trọng nhưng chưa theo kịp xu hướng biến đổi nhanh của thế giới. Rõ ràng, không thể chần chừ, không thể thiếu quyết liệt mà phải kiên quyết xóa bỏ tư duy không quản được thì cấm và tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm.  

Không còn cách nào khác, từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới, chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển, nhất là thời cơ mới. Các vùng động lực quan trọng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ (hiện chiến hơn 60% GDP cả nước) và 2 cực tăng trưởng là là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hiện chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.  

Và cần tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong dân. Đồng thời phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, dẫn dắt cho tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực, các địa phương… Đất nước không thể phồn vinh, thịnh vượng, không thể hùng cường, tự chủ và độc lập khi không có lực lượng doanh nghiệp dân tộc mạnh. Đây cũng là trăn trở của cả giới doanh nhân và các chuyên gia.

Thời gian không chờ đợi. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang mong chờ. Đây là thời điểm, là thời cơ, là sự thúc bách phải hành động với quyết tâm chính trị, là sự thôi thúc phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, hành động quyết liệt, với quan điểm nhất quán lấy phát triển để ổn định và ổn định làm tiền đề cho phát triển. Mọi quyết định, mọi chính sách ban hành ra đều phải hướng tới mục tiêu “mang lại hạnh phúc cho người dân”.

PV