Khi người lớn không đủ làm tấm gương
(Báo tháng 7) - Nhà thơ Trần Đăng Khoa (đứng) đề nghị cần có thêm tác phẩm về Hoàng Sa - Trường Sa trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn.
- Thưa ông Trần Đăng Khoa! Nếu tôi nhớ không nhầm, trên tờ báo của chúng ta, ông cũng đã bàn về bạo lực học đường…
- Đúng thế. Bàn khá nhiều. Ấy là khi xảy ra những chuyện đau lòng rất đáng tiếc. Như ở một trường Trung học cơ sở ở Hưng Yên. Một nhóm nữ sinh đã đánh hội đồng một bạn gái của mình. Đánh tàn bạo đến nỗi cô bé phải nhập viện. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã về trực tiếp kiểm tra rồi làm việc với lãnh đạo địa phương, đề nghị cách chức Hiệu trưởng và kỷ luật cả Ban giám hiệu nhà trường. Sự việc còn chưa giải quyết xong thì lại xảy ra một vụ việc tương tự như thế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Rồi còn nhiều, rất nhiều những địa phương khác cũng có những tệ nạn tương tự. Không phải chỉ học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, ngay cả ở bậc tiểu học, mới lớp một, lớp hai, cũng đã đánh hội đồng bạn mình, mà đánh tàn bạo như một bầy dã thú. Thật không thể tưởng tượng nổi…
- Tại sao có hiện tượng như thế?
- Đấy là một câu hỏi gay gắt mà tất cả chúng ta phải tìm ra câu trả lời.
Nếu xã hội đã suy thoái về đạo đức thì nhà trường khó mà trong sạch được.
Trẻ con hư đã đành. Nhưng người lớn cũng đã tử tế chưa? Chưa đâu. Ngay cả những người cần phải tử tế nhất mà cũng không tử tế. Thày hiệu trưởng mua dâm học trò. Ông Phó Viện trưởng viện Kiểm sát tỉnh còn dở trò đồi bại với trẻ con ngay trong thang máy... Người lớn đối xử với nhau trước mặt trẻ con rất tệ hại, rồi đối xử với cả trẻ con cũng đã không được tử tế, không đủ làm tấm gương để các con học tập và noi theo thì làm sao trẻ con không hỗn láo, hư đốn! Chưa bao giờ đạo đức xã hội lại xuống cấp thảm hại như bây giờ. Cái ác đang lộng hành. Cái ác đang lên ngôi. Cái ác đã lan đến cả chốn linh thiêng nhất, trong trẻo nhất, là cõi học đường rồi, mà chúng ta vẫn lúng túng, loay hoay với những giải pháp lẩn thẩn chẳng đâu vào đâu. Và khi cần phải xử lý thì lại giải quyết không triệt để và dứt điểm…
- Thời ông đi học có những chuyện đau lòng như thế xảy ra không?
- Không. Những năm ấy đẹp lắm. Dù ngày nào cũng mù mịt bom đạn.
Cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nhưng xã hội lại rất tử tế, nền nếp.
Người ta có thể mở toang cửa mà không lo trộm cướp, trấn lột. Một cô gái xinh đẹp có thể một mình đạp xe đi suốt đêm, nếu buồn ngủ có thể gõ cửa bất cứ ngôi nhà nào ở bên đường hay ở giữa rừng, xin ngủ nhờ, dù nhà toàn đàn ông, cũng không sao cả; cô gái vẫn nguyên vẹn tấm thân trinh trắng, khi sáng ra giã biệt chủ nhà. Bây giờ liệu có chuyện huyền thoại như thế không?
Không đâu. Bây giờ tính mạng con người luôn bị đe doạ. Dù ở ngay trong chính căn nhà của mình. Trẻ con càng không thể yên…
- Liệu chúng ta có thể trở lại những ngày tươi đẹp như thế được không?
- Thực ra, cái đẹp lúc nào cũng có. Thời nào cũng có. Ngay cả bây giờ.
Vẫn có những em bé quên mình cứu bạn khỏi chết đuối giữ dòng nước xiết.
Vẫn có những cụ già về hưu, sống vật vờ bằng tiền bán vé số, nhưng lại sẵn sàng dành hàng ngàn mét đất hương hoả của ông bà để lại, trị giá bằng hàng trăm cây vàng làm trường học cho trẻ em nghèo. Rồi người nghèo nhặt được của rơi, trả lại tiền cho người đánh mất. Ngày xưa, những tấm gương quả cảm và nhân từ như thế, Bác Hồ đều viết thư khen rồi đến thăm. Ở các trường phổ thông, vào những sáng thứ hai, sau giờ chào cờ là tuyên dương những tấm gương người tốt việc tốt. Bây giờ vẫn có giờ chào cờ, nhưng chẳng ai để ý đến những vẻ đẹp ấy. Cái đẹp bị quên lãng thì cái ác tất sẽ lên ngôi…
- Có cách nào khắc phục được không?
- Chúng ta đang khắc phục. Hàng loạt việc làm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là từng bước đưa đất nước trở lại nền nếp. Cầu mong Chủ tịch, Tổng Bí thư có đủ sức khoẻ và không còn đơn độc để thiêu hết những cái ác, cái xấu. Cùng với việc làm ấy, chúng ta cần ủng hộ và chung tay góp sức cùng với “người đốt lò vĩ đại”, để cuộc sống ngày một tốt hơn, và cụ thể là chấm dứt vĩnh viễn tệ nạn bạo lực học đường…
- Chấm dứt bằng cách nào?
- Cần xử lý và giải quyết dứt điểm. Tôi đồng ý với cách xử lý của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khi giải quyết vụ việc bạo lực học sinh vừa rồi ở Hưng Yên: Yêu cầu địa phương cách chức Hiệu trưởng và kỷ luật Ban giám hiệu nhà trường, đề nghị công an điều tra, xử lý các học sinh đánh bạn…
- Nghĩa là cần phải rất nghiêm khắc…
- Đúng vậy. Theo con số của Bộ công an mà VTV1 đã đưa trong chương trình “Chào buổi sáng” thì hiện nay, mỗi năm có trên 2.000 vụ bạo lực học đường. Trong đó có đến 53% vụ việc diễn ra ngay trong trường phổ thông. Nếu bạo lực xảy ra ngay trong trường thì nhà trường phải chịu trách nhiệm - và vừa rồi, ở Hưng Yên, Hiệu trưởng bị cách chức, Ban giám hiệu bị kỷ luật là rất đúng. Nếu vụ việc xảy ra ở bên ngoài cánh cổng nhà trường thì thầy cô chỉ bị liên đới thôi; ví dụ, có thể bị khiển trách hoặc bị cảnh cáo chẳng hạn. Còn bố mẹ - phụ huynh học sinh sẽ bị phạt nặng hơn, phạt bằng tiền, thậm chí rât nhiều tiền, nếu vụ việc nghiêm trọng, vì không dạy được con. Khi trẻ đang còn vị thành niên thì các bậc cha mẹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các hành vi của con mình. Bố mẹ không thể là người ngoài cuộc. Nếu xử lý nghiêm khắc như thế, tôi tin, tệ nạn bạo lực học đường sẽ chấm dứt. Vĩnh viễn sẽ chấm dứt…
- Nghĩa là theo quan niệm của ông, cứ phải kéo bố mẹ vào cuộc?…
- Không phải kéo bố mẹ vào cuộc mà bố mẹ cũng phải là người trong cuộc. Nếu đứa trẻ đủ tuổi thành niên thì nó phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình như môt công dân trước pháp luật. Nhưng ở tuổi vị thành niên thì bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên chẳng ông bố, bà mẹ nào lại đi tù thay con, nhưng bố mẹ hoàn toàn có thể phải chịu phạt vì không dạy được con. Nếu bổ sung điều này vào luật thì bạo lực sẽ thuyên giảm. Vì các bậc phụ huynh sẽ có cách quản lý con em mình và các cháu cũng sẽ không dám làm những việc để ảnh hưởng đến bố mẹ.
- Xin cảm ơn ông!
Diệu Hồng ghi