Khi người lính “ xung trận “

Câu chuyện 3 năm về trước, bệnh viện lâm vào hoàn cảnh khó khăn với hàng loạt vấn đề cần phải tháo gỡ: khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất ngèo nàn, thiết bị y tế cần phải đổi mới, môi trường sinh hoạt đã đến mức báo động, đội ngũ y, bác sỹ chưa đáp ứng được nhu cầu, người bệnh thiếu niềm tin khi điêu trị tại bệnh viện vv.

Đúng thời điểm đó, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Viết Đồng được đề bạt làm Giám đốc Bệnh viện. Nhận nhiệm vụ nhưng ông không tránh khỏi những suy tư, trăn trở…dù đã có thâm niên phục vụ trong bệnh viện, trưởng thành từ một bác sỹ khoa Nhi, rồi lên trưởng phòng tổ chức cán bộ; Chủ tịch Công đoàn; nhưng để giữ chức “ thuyền trưởng “ điều hành một bệnh viện đang lâm vào tình cảnh khó khăn chồng chất, liệu có vượt qua được hay không?. Nhớ ngày còn trên ghế trường Đại học Y khoa Hà Nội, ước mơ cháy bỏng của cuộc đời là được trở về phục vụ, cống hiến cho quê hương, có lẽ đây là thử thách lớn nhất trong cuộc đời. Từng có 4 năm tham gia Quân đội, cầm súng bảo vệ Tổ quốc, lời thề của người lính như vẫn còn vang vọng, thôi thúc ông “ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…”

Thế rồi, cuộc cách mạng " lột xác " bệnh viện cũng bắt đầu từ đó. Gần700 cán bộ, nhân viên vốn đã quen nếp cũ, đi sớm về muộn, làm việc chưa hết mình, gây khó khăn cho người bệnh…nhiều cuộc họp, nhiều đợt kiểm tra nhằm tìm ra một giải pháp thay đổi bộ mặt bệnh viện. Từ việc xóa hàng rào quán sá, mở cổng thông thoáng, sắp xếp khu vực thăm khám của bệnh nhân trật tự, nề nếp đến việc ra lệnh dỡ bỏ tất cả phông màn, giấy báo dán kín cửa phòng làm việc ; tháo gỡ hết ti vi và hệ thống intenet, mở toang cánh cửa “ úp mở “ từ bấy lâu nay để bênh nhân kiểm tra được người ở phòng trực. Xiết chặt kỷ cương, nề nếp từ các khoa phòng, gắn trách nhiệm cho người đứng đầu, biểu dương người làm tốt và kỷ luật những người vi phạm. Lập đường dây nóng tiếp nhận nguồn tin của người bệnh, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra bất cứ lúc nào, thậm chí “ nhập vai “ người bệnh để bắt bệnh đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên phục vụ nhằm uốn nắn kịp thời. Xây dựng hệ thống phòng khám tự nguyện có nhiều tiện ích, tạo cho người dân tiếp cận với mô hình hiện đại, tự do lựa chọn người khám, giảm bớt gánh nặng đỡ phải đi xa, tốn kém. Đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại, giảm bớt số lượng các ca bệnh chuyển lên tuyến trên. Ngoài những việc “ cần làm ngay “ để cải tổ bệnh viện, thì việc nâng cao y đức của người thầy thuốc cho đội ngũ y, bác sỹ được Giám đốc đặt lên hàng đầu, đặc biệt là phong cách ứng xử, giao tiếp: “ Đến niềm nở, ở tận tình, ra về dặn dò chu đáo “; xem bệnh nhân là trung tâm cho mọi hoạt động của bệnh viện. Mặc dù vậy, ban đầu gặp phải không ít sự chống cự quyết liệt, lúc thể hiện, khi ẩn náu, nhưng khi nhìn thấy hình ảnh một Giám đốc bệnh viện làm việc gương mẫu, nói đi đôi với làm, chỉ đạo quyết liệt, dám chịu trách nhiệm trước tổ chức, khiến nhiều người càng phải tâm phục, khẩu phục.
Bác sỹ Mai Văn Lục, Trưởng phòng Hồi sức tích cực, hội viên CCB khi nói về vị Giám đốc thật thân tình: anh ấy là một người lính tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, là người lính xung trận đúng lúc, đúng thời điểm, đúng giờ " G " nên đã lấy lại được niềm tin không chỉ cho bệnh nhân mà cả bệnh viện “,

Bà Nguyễn Thị Hồng, một cán bộ về hưu đang chăm sóc chồng bị tai biến điều trị tại khoa Nội thì chia sẽ: nói thật là trước đây hay ra Hà Nội vì bệnh viện kém quá, nhưng bây giờ điều trị ở đây tốt lên rất nhiều, giường bệnh không còn cảnh nằm chung, phòng khám rất trật tự, khoa học, các y, bác sỹ làm việc hết mình. dịch vụ khám tự nguyện của bệnh viện quá tốt, thu hút được bệnh nhân…

Tôi đem những lời nhận xét ấy nói lại với Giám đốc bệnh viện, ông Đồng cười rồi nói: Tất cả sự đổi thay của bệnh viện chỉ nhằm để phục vụ người bệnh tốt hơn mà thôi. Rồi ông cho biết năm 2015 một số kỹ thuật mới được triển khai ngang tầm các bệnh viện tuyến trung ương như: Phẫu thuật cột sống; phẫu thuật sọ não; phẫu thuật thay khớp háng, khớp gối; đặt máy tạo nhịp tim; thay máu sơ sinh; liệu pháp sulfactant điều trị bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng; sử dụng tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, nhồi máu tim, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Ông đã được nhận được rất nhiều phần thưởng của T.Ư và các Bộ, ngành ghi nhận sự nổ lực cống hiến của một người thầy thuốc, trong đó có Bằng khen của T.Ư Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam trao tặng năm 2015 về thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “. Ông cũng đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quà lưu niệm.

Mũa xuân Bính Thân đã về, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vui mừng khi khoác lên mình chiếc áo mới, chiếc áo xuân được dệt bằng niềm tin yêu của cán bô, nhân viên và người bệnh dành cho người Thầy thuốc ưu tú, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc bệnh viện, Cựu Chiến binh Nguyễn Viết Đồng.

Bài và ảnh: Lê Anh Thi