Khi người lính trở về
- Trạm trưởng Nguyễn Hồng Khoa*
Tôi mang tinh thần đó về trạm xá xã Hộ Độ trao đổi lại với anh Khoa, anh cười khiêm tốn rồi nói:Rất nhiều thầy thuốc ở địa phương còn giỏi hơn tôi, nhưng anh đã tới đây xin mời anh tìm hiểu về trạm xá để tuyên truyền giúp cho xã, huyện và ngành y tế.
Trạm xá xã Hộ Độ được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, nằm sát bên dòng sông Cửa Sót, những năm chiến tranh trạm bị bom giặc đánh phá tan hoang, phải sơ tán vào nhà dân. Qua nhiều thế hệ cán bộ nhân viên y tế xã Hộ Độ đã đóng góp nhiều công lao xây dựng trạm khang trang, sạch đẹp; đội ngũ cán bộ nhân viên y tế tận tâm, tận tình phục vụ nhân dân, mang lại niềm tin cho người bệnh không chỉ trong xã mà cả một vùng biển ngang, trong đó có những tấm gương điển hình như trạm trưởng, y sỹ Nguyễn Hồng Khoa.
** Người Đảng viên vùng giáo mẫu mực, trung thành**
Anh Nguyễn Hồng Khoa sinh năm 1959, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, bố mẹ có 8 người con, quê gốc là vùng giáo xã Hộ Độ, một vùng quê nghèo từ xa xưa chuyên sống bằng nghề làm muối. Lớn lên phải gánh vác công việc trong một gia đình đông anh em nhưng anh Khoa vẫn chăm chỉ theo học cho đến hết chương trình phổ thông. Những ngày ngồi trên ghế nhà trường, anh có niềm đam mê tìm hiểu lịch sử, anh rất ngưỡng mộ những tấm lòng yêu nước của các bậc linh mục, cha xứ trên đất Hà Tĩnh đã truyền cho lớp trẻ niềm tin và ý chí vươn lên. Đó là vị linh mục giàu lòng yêu nước như Linh mục Đậu Quang Lĩnh ( huyện Đức Thọ ) là Bí thư Toà Giám Mục; Linh mục Lê Sương Huệ ( huyện Hương Khê ) đã bị Pháp kết án khổ sai đày ra Côn Đảo. Hành động của những người công giáo qua các thời kỳ là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước thương nòi, yêu tổ quốc, căm thù giặc của tất cả con dân Hà Tĩnh nói riêng và công dân Việt Nam nói chung đều tự hào vì một Tổ quốc, không phân biệt dân tộc, tôn giáo.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảnh minh họaĐiều trị cho bệnh nhân cao tuổi bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt
Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc vĩ đại, người công giáo Hà Tĩnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, động viên con em tòng quân nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, nhiều người đã hy sinh tuổi xuân cho đất nước và để lại một phần máu xương trên chiến trường. Thấm vào máu thịt những trang sử hào hùng, oanh liệt, anh Khoa nuôi một mơ ước là trở thành người lính Cụ Hồ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1978, anh xung phong lên đường nhập ngũ, gia nhập vào lực lượng Phòng không - Không quân. Được đơn vị cho đi học y tá, sang làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Căm pu chia; sau khi hoàn thành nhiệm vụ, được đơn vị tiếp tục cho đi học đào tạo thành y sỹ ở trường hậu cần quân đội, đến năm 1985 anh vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam. Anh Khoa bồi hồi nhớ lại: " Tôi chẳng thể nào quên được thời khắc đó, vinh dự quá, xúc động quá, đứng dưới lá cờ búa liềm, tôi hứa trước Đảng nguyện một lòng trung thành đi theo Đảng, phục vụ cho Đảng, cho dân. Đến nay, tôi đã có 33 năm tuổi Đảng và thật tự hào vì luôn giữ được lời hứa đó...”.
Năm 1989, do hoàn cảnh gia đình anh xin rời quân ngũ trở về địa phương. Vừa mới chân ướt, chân ráo trở lại quê nhà, chưa kịp lo việc gia đình thì được cấp uỷ, chính quyền đặt vấn đề muốn anh ra làm việc ở bệnh xá xã. Với bản chất, truyền thống tốt đẹp của Anh Bộ đội Cụ Hồ “ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khõ khăn nào cũng vượt qua “, anh lại đem tất cả tinh thần, tâm lực và trình độ của một người thầy thuốc được đào tạo từ trong quân đội để tiếp tục phục vụ bà con nhân dân. Sau một thời gian công việc tại trạm, anh tìm hiểu và thấy nguyện vọng của số đông người dân rất cần chữa trị bệnh bằng phương pháp đông tây y kết hợp như châm cứu, xoa bóp cho người cao tuổi. Anh tranh thủ đi học thêm lớp đào tạo chuyên về Đông y do sở Y tế tổ chức, đồng thời gây dựng và trồng một vườn thuốc Nam có trên 60 loại cây thuốc. Bên cạnh việc chăm sóc khám và điều trị cho bệnh nhân, anh còn tham gia rất nhiều công việc của cấp uỷ, chính quyền, 3 khoá HĐND xã, 1 khoá vào cấp uỷ và nhiều năm liền là uỷ ban đoàn kết công giáo của huyện, tỉnh.
Cắt thuốc Đông y cho bệnh nhân
Năm 2015, anh là một trong số 15 đại biểu đại diện cho ngành y tế Hà Tĩnh vinh dự được ra Hà Nội tham gia báo công trước lăng Bác do Bộ Y tế tổ chức " 65 năm ngành Y tế làm theo lời Bác ". Ngoài công việc chuyên môn, anh còn tham gia làm tốt công tác phát triển Đảng viên mới trong vùng công giáo. Anh luôn lấy sự tu dưỡng phấn đấu của mình để tuyên truyền, vận động và làm gương cho các con, các cháu noi theo. Anh thường căn dặn con cháu: Đảng ta không phân biệt dân tộc, tôn giáo, vào đảng là thể hiện lòng yêu nước, hy sinh vì sự nghiệp cao cả của đảng làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhờ đó, qua nhiều nhiệm kỳ Chi bộ thôn Vĩnh Phong nơi anh sinh hoạt đã bồi dưỡng kết nạp được nhiều đảng viên mới trong vùng giáo dân. Gia đình của anh là một gia đình văn hoá, gương mẫu trong thôn xóm, 2 đứa con trai đều tốt nghiệp Đại học, có công việc ổn định và đều đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. Mỗi lần có dịp sum họp gia đình vào ngày tết, lễ giáng sinh, anh vẫn không quên nhắc nhở các cháu phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sông tốt đời, đẹp đạo, đấu tranh với những quan điểm sai trái đi ngược lại với đường lối chính sách về tôn giáo của Đảng. Anh Khoa tâm sự: “ nhân sự cố môi trường biển, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng vấn đề tôn giáo để kích động nhân dân, xuyên tạc đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, chúng tôi nghĩ thật xấu hổ và lấy làm tiếc. Dù không diễn ra ở địa phương mình, nhưng với trách nhiệm của một đảng viên, chúng tôi càng phải làm tốt hơn công tác tư tưởng cho anh em trong Chi bộ và Hội Cựu Chiến binh “.
Ông Trương Quang Khoát, bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Phong, nơi có anh Khoa tham gia sinh hoạt, đưa ra lời nhận xét: “ đồng chí Khoa rất có ý thức về xây dựng Đảng, có tính chiến đấu cao. Ngoài đời anh sống giản dị, hiền lành, chịu khó học tập và cần mẫn trong công việc. Gia đình anh thực sự là tấm gương sáng trong vùng giáo dân ở xã Hộ Độ".
** Một trạm trưởng năng động**
Nhận nhiệm vụ làm trạm trưởng từ năm 1997, dù biết công việc còn nhiều khó khăn, thử thách, nhất là với một xã nghèo Hộ Độ, Với danh dự của một người đảng viên; một Cựu Chiến binh trưởng thành từ trong quân đội, anh sẵn sàng đứng ra để gánh vác, chia sẽ những khó khăn cùng với cấp uỷ và chính quyền địa phương. Phương châm hành động mà anh đặt ra cho mình trên cương vị mới là: tập trung cao nhất để chăm lo sức khoẻ cho bà con nhân dân với tinh thần phục vụ " lương y như từ mẫu ", gắn với 10 điều y đức do Bộ Y tế ban hành. Anh đề nghị với cấp uỷ, chính quyền tổ chức kiện toàn lại cán bộ nhân viên của trạm, đảm bảo đủ tiêu chuẩn biên chế, phục vụ. Tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, sửa sang lại trạm xá có dầy đủ các phòng điều trị, có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo. Từ một ngôi nhà cấp 4 xập xệ, dột nát, đường sá đi lại lầy lội; sau 21 năm dưới bàn tay chèo lái của anh, trạm đã được xây dựng trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát có diện tích sử dụng hơn 2000m2, nhà 2 tầng kiên cố với diện tích 550m2, có 22 phòng chức năng, đủ 3 công trình vệ sinh nước sạch, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Bao quanh trạm xá là một vườn cây thuốc Nam có hơn 60 chủng loại, và nhiều gốc cây cảnh đẹp, có giá trị. Vừa là trạm trưởng, vừa là thầy thuốc Đông y chuyên châm cứu, xoa bóp, anh vừa tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những phương pháp chữa trị bệnh có hiệu quả, giảm bớt gánh nặng cho bệnh nhân. Anh đã có 2 sáng kiến được UBND huyện Lộc Hà ra quyết định công nhận, đó là sáng kiến phòng chống dịch sốt xuất huyết; sáng kiến chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.đã được đưa vào ứng dụng tại trạm.
Trạm trưởng cùng cán bộ nhân viên chăm sóc vườn thuốc Nam
Từ năm 2000 đến năm 2010 trạm xá đã được công nhận đạt chuẩn giai đoạn I, đến năm 2015 được công nhận đạt chuẩn giai đoạn II. Năm 2011, thực hiện Nghị quyết 03- NQ/TW của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trạm có kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó xác định đội ngũ thầy thuốc của trạm đóng vai trò then chốt. Trong điều trị đã kịp thời phân tuyến, chẩn đoán điều trị hợp lý nên nhiều năm liền không có tai biến trong điều trị. Người tàn tật được lập sổ theo dõi và hướng dẫn phục hồi chức năng; khám và lập sổ theo dõi cho hội người cao tuổi. Do đặc thù của địa phương, bà con di làm ăn xa, bệnh nhân thường đến lúc sáng sớm và chiều muộn trong khi nhân lực của trạm lại thiếu, tập thể trạm đã tự nguyện đăng ký làm thêm giờ, thêm ngày, không nghỉ phép, không ngày lễ tết. Tính ra mỗi năm tập thể trạm đã làm thêm được trên 265 ngày ( tự nguyện không có thù lao ). Bình quân hàng năm trạm tổ chức khám và điều trị hơn 10.000 lượt người, vượt 42% so với chỉ tiêu trên giao.
Năm 2015, xã Hộ Độ phấn đấu về đích nông thôn mới, trạm đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hoàn thành tiêu chí về y tế góp phần vào thắng lợi chung của toàn xã, trong đó phải kể đến huy động bảo hiểm y tế của người dân đã đóng đạt trên 90%. Từ năm 2017, Hà Tĩnh là tỉnh được chọn thực hiện việc quản lý hồ sơ sức khoẻ của nhân dân, trạm đã triển khai khẩn trương, quyết liệt. Nhờ sự giúp đỡ của sở y tế, việc lập và quản lý hồ sơ khám sức khoẻ cho nhân dân xã Hộ Độ đã đạt trên 96%, đây là một cố gắng rất lớn cuả tập thể cán bộ nhân viên trong đó có vai trò chỉ đạo quyết liệt của người trạm trưởng . Cùng với đó là việc trạm được xã chọn xây dựng tiêu chí xanh, sạch, đẹp, cho đến nay công việc đã cơ bản hoàn thành, khuôn viên được chỉnh trang trồng nhiều cây cảnh có giá trị..
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm và tặng quà cho trạm xá xã Hộ Độ
Sau 21 năm anh Nguyễn Hồng Khoa đảm nhận chức vụ trưởng trạm, trạm y tế xã Hộ Độ luôn nằm trong tốp đầu của huyện Lộc Hà về chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, đi đầu trong phong trào thi đua vì sự nghiệp y tế, là đơn vị điển hình thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh “. Trạm đã vinh dự được 2 lần đón Bộ trưởng Bộ Y tế đến thăm, được tặng cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà. Bản thân trạm trưởng Nguyễn Hồng Khoa nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, đảng viên xuất sắc, Cựu Chiến binh gương mẫu và được tặng nhiều Bằng khen của Bộ, UBND tỉnh Hà Tĩnh, sở y tế và huyện Lộc Hà.
Nhìn những phần thưởng được treo trang trọng trong phòng truyền thống, anh Khoa tỏ vẻ vẫn chưa hài lòng và chia sẽ với tôi: Mong muốn của cán bộ nhân viên từ bao thế hệ đến nay là xây dựng trạm xá xã Hộ Độ trở thành đơn vị anh hùng, nhưng chúng tôi còn phải hết sức cố gắng. Phần thưởng cao quý nhất là niêm tin tưởng, quý mến của bà con nhân dân không chỉ trong xã mà cả ở vùng biển ngang.đã dành cho cán bộ nhân viên trạm y tế xã Hộ Độ.
Bài và ảnh: Lê Anh Thi