Khi người già quan tâm đến khát vọng
Thế nào là người già? Câu hỏi này chắc chắn sẽ gây tranh luận khó lòng đạt được sự thống nhất. Nhưng người già trong luận bàn này, xin được nhắc đến trong lời nhận xét của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28-3-2021. Khi phổ biến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Đối tượng dự Hội nghị lần này rất đa dạng, phong phú; tôi được biết nhiều đồng chí già là cán bộ nghỉ hưu, chuyên gia nghiên cứu thì học tập rất nghiêm túc, trong khi nhiều đồng chí đảng viên trẻ lại chỉ chăm chú vào điện thoại, Ipad....
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài bình luận rằng, mục tiêu đó hoàn toàn có đủ cơ sở trở thành hiện thực. Tất nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đó, chúng ta phải tiến hành đồng bộ các giải pháp phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt là phải thúc đẩy chương trình quốc gia khởi nghiệp, liên tục phát triển doanh nghiệp, nhất là hệ thống doanh nghiệp startup (doanh nghiệp khởi nghiệp dựa vào phát triển công nghệ mới, tạo ra công việc mới và thu nhập mới).
Hiện nay, một nước phát triển thì cứ 15 người dân là có một doanh nghiệp. Việt Nam tính đến hết năm 2020 mới chỉ có xấp xỉ 1 triệu doanh nghiệp. Như vậy, hiện cứ hơn 100 người dân thì nước ta mới có một doanh nghiệp. Tỷ lệ còn rất thấp này cho thấy chương trình quốc gia khởi nghiệp quan trọng và cần thiết đến mức nào! Đương nhiên, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đều do người trẻ đảm nhiệm. Điều này càng cho thấy, nếu việc tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII đến những người trẻ không chu đáo, không đạt yêu cầu đề ra thì rất khó để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Khát vọng hùng cường vào năm 2045 là khát vọng lớn của toàn dân tộc. Năm 1945, khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng: Nước ta có bước tới đài vinh quang, sánh vai được với các cường quốc 5 châu được hay không, phần lớn phụ thuộc vào việc học tập, trưởng thành của thanh niên. Trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay, nếu thanh niên chỉ chú ý đến việc làm mưu sinh, kiếm tiền để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của riêng mình thì dân tộc không thể phát triển. Thực tiễn các nước đã “hóa rồng, hóa hổ” đều cho thấy, chính sách phát triển của đảng cầm quyền phải khơi dậy lòng tự hào dân tộc, để thanh niên khởi nghiệp vừa để mưu sinh, vừa thực hiện hoài bão lớn của dân tộc.
Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng tâm sự với thanh niên: Thế hệ chúng tôi đã thực hiện hoài bão lớn của mình là rửa nỗi nhục mất nước; thế hệ thanh niên hiện nay phải có khát vọng, hoài bão lớn là rửa nỗi nhục nước nghèo. Đúng vậy! Nếu thanh niên Việt Nam hiện nay không thấy tình trạng nước nghèo là nỗi nhục thì chính họ sẽ để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Thế giới ngày nay có rất nhiều nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Việt Nam vừa mới lọt top các nước có thu nhập trung bình thấp, nếu một thế hệ thanh niên sớm chủ quan, tự mãn, tự hài lòng với mức sống hiện tại, thiếu ý chí vươn lên khởi nghiệp thành công thì khó lòng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình thấp như nhiều nước đã mắc phải.
Câu hỏi đặt ra là tại sao những đảng viên già, những người đã nghỉ hưu lại học tập nghị quyết nghiêm túc trong khi một bộ phận đảng viên trẻ lại lơ đãng? Có thể thấy, thế hệ đảng viên già sinh ra, lớn lên trong khói lửa chiến tranh, được giáo dục lý tưởng bài bản, khát vọng về một dân tộc hùng cường chưa bao giờ tắt trong họ. Nghỉ hưu chứ không nghỉ việc, tinh thần học Nghị quyết Đại hội XIII phần nào thể hiện tinh thần trách nhiệm của họ với đất nước. Còn một bộ phận đảng viên trẻ (bộ phận này không nhỏ), vẫn lười học nghị quyết, học kiểu đối phó cũng phản ánh phần nào thực trạng chất lượng đảng viên trẻ hiện nay.
Điều đó có đáng lo hay không? Rất lo!
Hồng Chuyên