Khi nào “lưới an sinh xã hội” phủ tới lái xe công nghệ?
Công nghệ số đang tạo ra một luồng chuyển đổi mô hình kinh doanh lên tất cả ngành nghề, lĩnh vực, không chừa bất kỳ một doanh nghiệp, đơn vị nào. Các nền tảng online đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng.
Theo Nielsen - một công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu, 47% người Việt đã thay đổi thói quen ăn uống, 60% số đó đã thay đổi các hoạt động giải trí/vui chơi. Những cửa hàng truyền thống cũng bị tác động mạnh, với hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Cùng với sự phát triển của các mô hình kinh doanh online, các hãng xe công nghệ cũng ngày một mở rộng.
Tính tới đầu năm 2024, hệ thống xe công nghệ hãng Be và Grab ghi nhận có khoảng 300.000 tài xế mỗi hãng, một hãng xe ôm công nghệ mới xuất hiện thời gian gần đây là Xanh SM Bike cũng có khoảng hơn 90.000 tài xế. Số lượng tài xế xe công nghệ đang ngày càng tăng mạnh. Tuy nhiên, một “rào cản” lớn hiện nay là lái xe công nghệ chỉ có hợp đồng đối tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng, không phải hợp đồng lao động nên không được hưởng các chính sách an sinh về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trong khi, người lao động phải bỏ chi phí để mua sắm thiết bị làm việc như xe, điện thoại, BHYT; công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Những nghiên cứu cũng cho thấy, tài xế làm việc trung bình từ 8 đến 13h (toàn thời gian); trung bình 5- 6h/ngày (bán thời gian). Do tính linh hoạt, chủ động về thời gian, tình trạng làm việc nhiều giờ/ngày, vượt quá quy định về số giờ làm việc trong tháng theo Bộ luật Lao động là khá phổ biến. Như vậy, so sánh với giới hạn pháp lý về số giờ làm việc của Bộ luật Lao động năm 2019 thì số giờ làm việc trung bình một ngày của tài xế gần ở ngưỡng giới hạn tối đa 12h/ngày. Đáng chú ý, có đến gần 23% tài xế xe ôm công nghệ chạy xe ban đêm, khung giờ từ 10 giờ đêm hôm nay đến 6 giờ sáng hôm sau.
Trong quan hệ 3 bên: Công ty, khách hàng và tài xế thì tài xế là bên yếu thế nhưng lại chưa được bao phủ bởi Bộ Luật Lao động, Luật BHXH... Gốc rễ của tình trạng này là do các tài xế xe công nghệ đang ký là hợp đồng đối tác, không phải Hợp đồng lao động, nên quan hệ lao động nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này dẫn đến họ không được hưởng chế độ BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cũng như các chế độ liên quan dành cho người ký Hợp đồng lao động.
Theo các chuyên gia lao động, quan hệ hợp tác giữa các hãng xe với tài xế có dấu hiệu của quan hệ lao động. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể đối với đối tượng này dẫn đến việc doanh nghiệp lợi dụng khoảng trống luật pháp để đẩy thiệt thòi cho người lao động.
Hiện nay, do chịu tác động tiêu cực từ thị trường khi tổng cầu thế giới sụt giảm, nhiều doanh nghiệp mất đơn hàng, việc cắt giảm nhân sự là biện pháp ứng phó đầu tiên hoặc tạm ngừng tuyển dụng mới. Tỷ lệ người lao động quay trở lại được làm việc tại các doanh nghiệp khá thấp. Cụ thể, chỉ hơn 4% tìm được việc mới, 11% vẫn thất nghiệp, 2% chọn làm thời vụ và hơn 1% chuyển sang tự kinh doanh riêng. Một trong những việc làm được người lao động lựa chọn nhiều là lái xe công nghệ.
Đến nay, lái xe công nghệ hiện không còn là kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã thành một nghề. Trong bối cảnh công nghệ phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội khiến lực lượng tài xế xe công nghệ tăng nhanh, cần thiết sớm có sự điều chỉnh chính sách pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người lao động nhằm lấp đầy khoảng trống an sinh cho nhóm lao động này.
Hồ Thanh Hương