Khi nào cần đưa bệnh nhân sốt xuất huyết đến bệnh viện
Bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue chỉ được điều trị ngoại trú khi ở trong giai đoạn sốt, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh thì phải nhập viện để điều trị nội trú nhằm hạn chế những biến chứng nghiêm trọng có thể nguy kịch đến tính mạng.
Trong giai đoạn sốt, triệu chứng lâm sàng thường được biểu hiện sốt cao đột ngột, sốt liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da bị sung huyết; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; người bệnh thường có chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Giai đoạn sốt tương ứng với thể bệnh sốt xuất huyết Dengue thông thường, nếu đã chuyển qua giai đoạn nguy hiểm tức là đã chuyển qua mức độ của thể bệnh sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng cần phải cho bệnh nhân nhập viện ngay vì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Trong điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên, phải dùng thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo đang mặc và lau mát bằng nước ấm. Đặc biệt, người bệnh cần bù nước bằng cách uống nhiều dung dịch oresol, nước sôi để nguội; nước trái cây như nước dừa, nước cam, nước chanh... hoặc uống nước cháo loãng với muối.
Trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cần theo dõi diễn biến tình hình của bệnh nhân. Nếu phát hiện người bệnh có các dấu hiệu nguy hiểm như vật vã, lừ đừ, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to; nôn nhiều; xuất huyết niêm mạc; đi tiểu ít là dấu hiệu cảnh báo tình trạng khẩn cấp. Do đó, cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để xử trí kịp thời.
Vũ Minh