Khi mạng xã hội “chấn chỉnh” báo chí
Vụ Đoàn Thị Hương vướng vào vòng lao lý ở nước người, nhờ những nỗ lực bảo hộ công dân của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan nên đã được thả tự do trở về quê hương ngày 3-5 vừa qua bỗng trở thành đề tài cực nóng trên báo chí và mạng xã hội.
Mạng xã hội từ khi phát triển rầm rộ ở Việt Nam chừng hơn chục năm nay, luôn là cơ chế truyền thông nhanh mà thiếu kiểm chứng, thông tin trên mạng thì được nhắc đến với hàm nghĩa tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Vì vậy đã hình thành một quan niệm ở Việt Nam: Thông tin báo chí là chính thống, thông tin trên mạng xã hội cần kiểm chứng. Trong nhiều trường hợp, báo chí trở thành kênh thông tin “chấn chỉnh” những thông tin giả, sai trái, thiếu chính xác trên mạng xã hội.
Vậy nhưng, trong vụ việc Đoàn Thị Hương về nước lần này, một hiện tượng lạ xảy ra là mạng xã hội trở thành kênh thông tin “chấn chỉnh” báo chí. Sau khi Đoàn Thị Hương xuất hiện ở sân bay “giữa vòng vây báo chí như một minh tinh của giới giải trí, bày tỏ ước mơ trở thành ca sĩ, diễn viên”, rất nhiều báo điện tử đã đưa thông tin này lên mục tiêu điểm hay mục “tin nhiều người quan tâm”. Thậm chí, nhiều báo điện tử làm những bản tin sâu, những bài tường thuật đậm đà như dành cho những sự kiện thời sự tầm cỡ của xã hội.
Và ngay lập tức, trong khi chưa thấy cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước lên tiếng thì mạng xã hội đã lên tiếng thể hiện sự bất bình. Hàng triệu tài khoản mạng xã hội đều nhất loạt kêu gọi không nên đưa ảnh, viết status, share những tin tức báo chí về Đoàn Thị Hương. Công dân mạng cho rằng, lẽ ra Đoàn Thị Hương phải xin lỗi đồng bào cả nước về lỗi lầm của mình, xin lỗi nạn nhân đã chết do hành động của mình, hứa sửa chữa để trở thành công dân tốt. “Đừng vì bóng tối của lòng người mà để ánh sáng trong lòng mình vụt tắt. Đừng dạy con cười hả hê trên lỗi lầm của mình và tỏa sáng như con thiêu thân giữa rừng u mê, như Đoàn Thị Hương hôm nay”, một Facebooker bức xúc đã viết như vậy.
Một cựu chiến binh là nhà văn do bức xúc đã đặt câu hỏi lên trang Facebook của mình: “Hầu hết các báo điện tử lớn đều thuộc về Nhà nước quản lý hay các Bộ liên quan quản lý. Vậy mà bấy nay, thường tin tức đánh vào thị hiếu thấp của dân chúng, khai thác tới tận cùng, cạn kiệt nhiều sự kiện không hay ho gì. Hỏi, nếu như vì sự phát triển của dân trí, vì sự nghiệp phải giữ vững nền đạo lý nhân văn của dân tộc thì báo chí có nên làm theo hướng như vậy chăng? Nghị quyết có nhiều. Tuần nào Ban Tuyên giáo Trung ương chả giao ban báo chí. Tổng biên tập nào chả nhận được các văn bản khuyến dụ của các cơ quan quản lý nhà nước, tuyên giáo, tư tưởng, ban lý luận, an ninh tư tưởng... Vậy chúng ta đang đề cao điều gì, giá trị nào? Điều gì thuộc không chỉ giá trị thẩm mỹ của người người Việt trong sự sàng lọc các sự kiện của một đời sống văn minh, bác ái đòi hỏi?”.
Thực ra, vụ Đoàn Thị Hương chỉ là “giọt nước tràn ly”. Từ lâu, trên nhiều diễn đàn, trong đó có mạng xã hội, các tầng lớp nhân dân đã bày tỏ sự bức xúc của mình trước những xu hướng thông tin thiếu lành mạnh của báo chí. Nhiều báo điện tử sa đà quảng bá cho giới nhà giàu và cuộc sống xa xỉ của của những “ngôi sao giải trí”. Hằng ngày, hằng giờ, họ quảng bá nhưng biệt thự trăm tỷ, xế hộp chục tỷ, túi xách hàng hiệu hay giày, dép, đồ trang sức có giá triệu đô mà không hề nghĩ đến điều đó sẽ tác động thế nào đến hàng triệu đồng bào vẫn “chạy ăn từng bữa” hay tâm hồn hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên sẽ bị định hướng về “chủ nghĩa vật chất” như thế nào! Chưa hết, những tờ báo chỉ chăm chăm thông tin về “tình - tiền - tù tội”, “scandal”, “sex”... luôn tràn ngập thông tin đào bới tận cùng cái ác, cái xấu, cốt sao kiếm đủ lượng view, like.
Cũng chưa bao giờ, sự xuất hiện của “nhà báo đếm tầng” lại nhiều như vậy. Trước đây, “nhà báo đếm tầng” chỉ xuất hiện ở những tờ báo điện tử nhỏ, nay thì đang được cảnh báo là xuất hiện cả ở những cơ quan báo chí lớn. Thậm chí, dư luận cũng cảnh báo hiện tượng những cơ quan báo chí lớn liên kết với nhau hoặc núp bóng “hỗ trợ truyền thông”, “hợp tác truyền thông” mà thực chất là kiểu liên kết “lợi ích nhóm” đã xuất hiện.
Việc mạng xã hội chấn chỉnh báo chí thông qua sự việc công dân Đoàn Thị Hương về nước chứng tỏ trình độ dân trí trên mạng xã hội đã phát triển mà mạng xã hội sẽ trở thành một kênh thông tin quan trọng “kiểm chứng”, “chấn chỉnh” những thông tin lệch lạc trên báo chí.
Đó là điều đáng mừng!
Nguyễn Hồng