Khi lợn chết cần tiêu hủy

Bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã vừa tiếp nhận bệnh nhân là anh Cầm Văn H., 48 tuổi, trú tại xã Mường Hung, Sông Mã, Sơn La trong tình trạng nguy kịch do nhiễm liên cầu khuẩn.

Người nhà cho biết, con lợn cắp nách của gia đình không may bị chết. Do tiếc nên anh H. đã giết mổ rồi làm cơm cả nhà cùng ăn. Trong quá trình giết mổ, anh H. liên tục chạm vết thương hở ở cổ tay trái vào thịt lợn. Đến trưa ngày hôm sau, anh H. có biểu hiện sốt cao, khó thở, hôn mê sâu, trên người có nhiều mảng tím nên được đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Sông Mã cấp cứu.  

Bệnh nhân lập tức được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và chống độc để điều trị. Các xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng do liên cầu lợn, nghi lây vi khuẩn trong quá trình giết mổ do anh H. có vết thương hở ở cổ tay. Dù được điều trị tích cực song anh H. đã tử vong tại bệnh viện.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên. Người bệnh lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh trong quá trình giết mổ hoặc ăn các sản phẩm từ lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín như gỏi, tiết canh... Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, thậm chí có người bị bệnh sau 1-2 tuần.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Để bảo đảm phòng, chống lây nhiễm liên cầu lợn, trong quá trình giết mổ, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Ngoài ra, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Đặc biệt, trong thời gian dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành, người dân phải tuân thủ việc tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định; đồng thời không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Minh Vũ