Khi đàn ông không đọc
Bây giờ đi ngoài đường ở Hà Nội, nếu cố phải để ý tìm, tuyệt nhiên chẳng thấy còn ma nào ngồi đọc sách. Nhỡ có thì hình như đấy là một ông tây hay một nàng đầm. Nhan nhản ở các quán cà phê hay phòng chờ sân bay, tầu hoả, đàn ông đủ mọi tuổi chỉ háo hức há hốc mồm đọc báo. Đám trẻ sành điệu hơn thì dán mắt vào ipad hoặc máy tính xách tay. Ở cái thứ a dua thời thượng đầy tiện lợi này, đương nhiên cũng có sách, nhưng những dòng chữ ở cái màn hình ấy đã bớt nhiều trong trắng. Bởi đơn giản, nó phải sống cùng với ồn ào game, thậm chí cả với ảnh người mẫu cởi truồng. Đọc sách thì không phải là một nghi lễ thiêng liêng tới mức mỗi lần giở trang thì phải thắp hương, nhưng cũng đừng dung tục nó theo cái kiểu đem nhạc giao hưởng ra đường mà diễn. Hà Nội giờ đây đã hết thật rồi những ô cửa sổ có ai đấy rưng rưng ngồi mông lung đọc. Thôi thì chấp làm gì các phố lớn cuồn cuộn sát khí mưu sinh, nhưng ngay cả vài ngõ nhỏ phố nhỏ may mắn còn sót lại mấy cái ban công thanh thoát yên bình, kiểu như đường Ngũ Xã ven hồ Trúc Bạch, thì chủ nhà phải là người điên lắm mới dành chỗ cho đọc sách. "Viu" tuyệt vời như thế cơ mà. Tại sao không tranh thủ làm bar rượu sôi động nhạc trẻ hay cà phê lãng mạn đèn mờ. Ngồi ở đấy mà cầm cuốn tiểu thuyết thì phi là thằng đang cưa cẩm gái thì cũng là thứ dở hơi dở hồn thích làm trò. Đấy là chưa kể, xa xa thấp thoáng dưới vài gốc cây mang vẻ đại thụ, là dăm ba gã đàn ông trung niên phê phê bia đái bậy. Không có gì là ngạc nhiên, một khi người Hà Nội đã hết hẳn cái thói quen đọc sách, thì đương nhiên tệ nạn xã hội ở các vỉa hè sẽ dữ dội tăng.
Tất nhiên, đọc sách thì tốt nhất ngồi chỗ tĩnh một mình và những chỗ như thế thì thú nhất là thư viện. Thủa xa xưa, chừng hơn mươi năm trước, thư viện quốc gia ở 31 Tràng Thi luôn ẩn hiện một đám khủng long độc giả. Bọn họ đọc sách qua trưa rồi thong thả qua chiều, mặc kệ ngoài kia đã là tối muộn hăm chín thiên hạ đang vội vàng tết nhất. Bọn họ chân thành ngạc nhiên khi bị hỏi, đọc sách là để làm gì. Với họ giản dị, đọc sách không bao giờ là phương tiện để tìm kiến thức rồi đi kiếm lợi danh. Bọn họ đọc vì không thể không đọc, y như một tín đồ chân chính đều đặn đi lễ tới nhà thờ hay cửa chùa, hoàn toàn không nhằm chứng minh mình là ngoan đạo. Hình như với họ, không có cái thứ gọi là "nền văn hoá đọc" hay "truyền thống đọc". Đọc là một nhu cầu tự nhiên từ nội tại riêng tư, là một cách sống, một kiểu tu tâm dưỡng tính hao hao như ngồi "kiết già" của Thiền tông hay từ sáng đến tối tụng "Adi đà Phật" của Tịnh Độ tông. Có lẽ nhờ thế mà cho dù đọc thiên kinh vạn quyển, bọn họ cũng không bị "tẩu hoả nhập ma". Kiến thức ở họ là vô hạn, tri thức ở họ là vô lượng, chỉ khi vì lòng vị tha nhân văn thương đời họ mới miễn cưỡng thi triển bộc lộ. Những câu chuyện truyền kỳ về nhà thư tịch học lỗi lạc Trần Văn Giáp (1902 - 1973) lúc cụ đang đọc sách ở các loại thư viện là một minh chứng.
Có một cảnh mà người ta thường thấy. Khi một nhà văn nào đấy, vô tình trong dịp hưởng ứng tuần lễ văn hoá đọc, được giới thiệu với một nam doanh nhân. Thì quý ông thương gia khả kính đó (có vẻ như tài trợ cho cái "ì ven" này) rất hay sử dụng một mẫu câu lịch lãm. "Thật vinh dự được gặp tác giả. Rất tiếc là tôi chưa kịp đọc tác phẩm của anh. Nói chung, tôi là người mê văn học nước ngoài". Ông nhà văn mủm mỉm vừa như là tủi thân vừa coi như là đương nhiên. Quen rồi. Bởi nhỡ có hỏi lại anh ta đã đọc ai thì chắc chắn cái ông nhà buôn ấy tuyệt chẳng đọc gì. Những ông xuất sắc nhất thì cố mang máng nhớ được dăm ba chi tiết về "AQ chính truyện" của Goócky, hoặc "Dấu chân người lính" của Lỗ Tấn (!). Đại loại là vài mảnh vụn văn chương rơi rớt từ thời phổ thông trung học vẫn còn lều bều trôi nổi ở ký ức.
Cuốn "Những linh hồn chết" của đại văn hào Gô Gôn (1809 - 1852) có kể về một điền chủ Nga xuất thân quý tộc. Ông ta mê đọc, nhưng suốt hai năm trời cuốn sách ông ta đọc dở vẫn dừng ở trang 14 (sđd - NXB Văn Học, trang 38). Không biết bao nhiêu đàn ông của ngày hôm nay vẫn giữ nguyên thói quen đọc như vậy. Bọn họ xem xong chương trình "Cặp đôi hoàn hảo" thì hạnh phúc đi uống bia. Nhỡ thấy ô cửa sổ nào còn sót lại một thiếu nữ đang ngồi đọc sách thì họ tế nhị nép người vào góc cây rồi ung dung tồ tồ đái.
Tất cả đàn ông không đọc đều sống lành mạnh, thỉnh thoảng nhiều người vẫn tử tế vẫn lương thiện. Có điều, đôi lúc gặp chuyện bất hạnh, hầu hết bọn họ đều cáu kỉnh chửi đời.
Và khi về già, bọn họ thường xuyên cãi nhau với đài.
Tạp văn của NGUYỄN VIỆT HÀ