Khi cử tri không còn tín nhiệm, việc bãi nhiệm chỉ là thủ tục (11/05/2012)

Do không trung thực trong khai báo hồ sơ ứng cử ĐBQH khóa XIII tại tỉnh Long An của bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được báo chí chỉ ra đầy đủ, khi cử tri bất bình thấy mình bị đánh lừa, MTTQ tỉnh Long An đã tổ chức hội nghị ngày 17-4-2012 với đại diện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và 4 huyện thuộc đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Long An để xem xét tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến, với đa số phiếu tán thành đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐBQH khóa XIII đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Tiếp đó, ngày 18-4-2012 tại Hà Nội, Đoàn chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam đã họp bất thường để xem xét kiến nghị của cử tri về việc thiếu trung thực của ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến. Hội nghị đã nghe báo cáo của UBT.Ư MTTQ Việt Nam và thảo luận cung cấp thêm nhiều thông tin làm rõ việc thiếu trung thực của bà Đặng Thị Hoàng Yến, hội nghị đã thống nhất cao với 100% số phiếu biểu quyết nhất trí đề nghị UBTVQH trình ra kỳ họp thứ 3 QH khóa XIII bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Ngày 5-5-2012 UBTVQH đã họp và nhất trí đề nghị Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 bãi miễn tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Như vậy đã có đủ căn cứ để khẳng định cử tri không còn tín nhiệm ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến. Lẽ ra khi thấy mình không được cử tri tín nhiệm thì với lòng tự trọng, bà Đặng Thị Hoàng Yến nên tự giác sớm làm đơn xin từ nhiệm ĐBQH để trình ra QH xem xét, đó là hành vi ứng xử có văn hóa nhất. Nhưng ngược lại bà Đặng Thị Hoàng Yến lại liên tiếp làm nhiều việc coi thường kỷ cương phép nước, bất chấp dư luận như: Nhiều lần tòa án tỉnh Long An mời bà đến làm việc về vụ án ly hôn nhưng bà Yến đều phớt lờ không đến; rồi Ban công tác ĐBQH mời bà đến và yêu cầu có văn bản giải trình, bà Yến cũng phớt lờ, bỏ qua; ngày 21-4-2012 bà Yến lại tổ chức họp báo sai phép. Căn cứ vào khoản 1, khoản 2, điều 19, Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 16-4-2002 quy định: Tổ chức, công dân muốn họp báo phải báo trước bằng văn bản chậm nhất là 24 giờ trước khi họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí. Việc họp báo chỉ được tổ chức khi cơ quan quản lý nhà nước về báo chí đồng ý bằng văn bản chậm nhất là 6 giờ trước khi họp báo. Quy định của pháp luật thì rõ ràng như vậy nhưng bà Đặng Thị Hoàng Yến và Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo phớt lờ. Cuộc họp báo ngày 21-4-2012 không thực hiện hồ sơ, thủ tục để được tổ chức họp báo theo quy định hiện hành của pháp luật, như vậy việc tổ chức họp báo trên là vi phạm pháp luật về báo chí. Với hành vi trên, căn cứ vào điểm a, khoản 1, điều 10 Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 của Chính phủ trong hoạt động báo chí, xuất bản “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi họp báo mà không thông báo trước bằng văn bản hoặc thông báo không đúng thời gian quy định”. Việc xem thường pháp luật, phớt lờ các cơ quan nhà nước của bà Đặng Thị Hoàng Yến là không tôn trọng kỷ cương phép nước, điều đó đối với một công dân bình thường cũng không thể chấp nhận được và phải xử lý nghiêm minh, nhưng với bà Đặng Thị Hoàng Yến là đại biểu của cơ quan quyền lực cao nhất mà ứng xử như vậy thì càng thể hiện sự không đủ tư cách của một ĐBQH. Chưa hết, bà Đặng Thị Hoàng Yến còn lợi dụng mọi cái có thể để hòng đảo ngược tình thế! Đó là việc lợi dụng Công văn ngày 21-3-2012, Cục Báo chí có Công văn số 223/CBC-PLCS gửi Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét, xử lý vi phạm hành chính của hai cơ quan Báo CCB Việt Nam và Báo Người cao tuổi. Trong khi Thanh tra Bộ đang xem xét và sẽ giải quyết một cách tổng thể vào thời điểm thích hợp, sau khi được cơ quan có thẩm quyền kết luận chính thức những vấn đề liên quan đến ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến, thì không hiểu vì sao bà Yến lại có được Công văn 223/CBC – PLCS??? Rồi đem photo gửi cho nhiều người, nhiều cơ quan và các ĐBQH, trong đó có những người không có trách nhiệm xem xét, giải quyết vụ việc trên, lợi dụng công văn đó làm bùa hộ mệnh hòng phủi sạch mọi sai phạm.

Trước việc làm không đúng đắn của bà Đặng Thị Hoàng Yến, ngày 20-4-2012 Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Công văn số 338/T.tr yêu cầu bà Yến rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục kịp thời. Công văn nêu rõ: “Việc làm này của bà Yến đã gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận và ảnh hưởng quá trình xem xét giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông báo để bà biết và yêu cầu bà rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục kịp thời”. Không hiểu đến nay bà Yến đã khắc phục sai phạm trên thế nào hay bà vẫn phớt lờ yêu cầu của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khi thấy mọi việc đã đi đến hồi kết, bà chuyển sang “chạy” gõ cửa mong được “che chắn” nhưng bà Đặng Thị Hoàng Yến không nhận thức được đó là việc làm không hợp thời, bởi trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, không ai tiếp tay cho việc làm tiêu cực, mọi việc đều phải công khai, minh bạch cho dân biết và giám sát. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3 QH khoá XIII của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo, nhiều cử tri bức xúc vì sao việc xem xét kết luận vụ việc của bà Yến chậm trễ và vì sao việc miễn nhiệm chức vụ quyền hạn đối với các cơ quan công quyền và cơ quan dân cử lại khó đến thế?

Mọi người đều mong muốn đất nước có nhiều hiền tài, không ai có thù hằn, ghét bỏ gì với bà Đặng Thị Hoàng Yến, nhưng với những việc làm không trung thực của bà Yến, việc coi thường pháp luật, việc phớt lờ các cơ quan nhà nước và nhiều việc làm không trong sáng của bà đã khiến bà tự đánh mất uy tín và tín nhiệm của cử tri. Để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, xây dựng nhà nước ta trong sạch, vững mạnh, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, buộc cử tri phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân là bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà và kiến nghị với QH khóa XIII tiến hành các thủ tục bãi nhiệm tư cách ĐBQH với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Đến phút chót, biết không thể đảo ngược tình thế, bà Yến mới làm đơn xin từ nhiệm là quá muộn màng! Đã thế việc từ nhiệm của bà lại không được chấp nhận vì luật quy định chỉ những ĐBQH do sức khỏe, do thuyên chuyển công tác mới được từ nhiệm.

Phạm Hữu Bồng