Khi Covid-19 được xem là bệnh đặc hữu

Độ bao phủ vắc-xin rộng là điều kiện để hướng đến việc xem Covid-19 là bệnh thông thường.

Theo nhiều chuyên gia, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, cộng thêm một số quy định như không còn đánh số thứ tự F0, cách ly tại nhà, giảm tối đa thời gian cách ly, phân bổ thuốc kháng virus đến hệ thống nhà thuốc..., là các động thái cho thấy Việt Nam đang dần thay đổi quan điểm chống dịch, sớm xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Doanh nghiệp gặp khó vì công nhân liên tục là F0, F1

Hơn 1 tháng nay, Khu công nghiệp Bích Hòa, huyện Thanh Oai, T.P Hà Nội - nơi đặt trụ sở, nhà máy của hàng trăm doanh nghiệp vắng vẻ bất ngờ. Nguyên nhân là số công nhân, người lao động mắc Covid-19 tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. CCB Nguyễn Văn Minh - Phó giám đốc Công ty thực phẩm Hải Hòa cho biết: Trước đây, doanh nghiệp có hơn 200 công nhân, người lao động hoạt động cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, từ thời điểm ra Tết, nhiều công nhân mắc Covid-19 nên tình hình thay đổi hẳn. Thiếu lao động, doanh nghiệp phải điều chuyển nhân sự từ các mảng khác như kế toán, hành chính về sản xuất trực tiếp.

Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, ông Minh cho rằng: Nếu không tuyển dụng được lao động tạm thời, sẽ phải tính toán phương án cho toàn bộ F0 và F1 đi làm. Bởi một dây chuyền sản xuất cần đủ nhân lực quy định, khi thiếu vắng quá nhiều công nhân, nhà máy buộc phải đóng cửa. Doanh nghiệp mong muốn sớm xem Covid-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường. Còn nếu cứ cách ly F0 quá lâu, cộng thêm F1 cũng ở nhà theo dõi sức khoẻ thì không còn người làm.

Tương tự, Công ty TNHH Đại Phát tại cụm làng nghề Triều Khúc, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng do nhiều công nhân mắc Covid-19. Ông Triệu Khắc Trung - Giám đốc Công ty cho biết: Khi số ca nhiễm tăng cao, Công ty cho công nhân làm thay cho nhau, tăng ca để không phải đóng cửa nhà máy. Hiện nay, 100% công nhân đã tiêm vắc-xin nên khi thành F0 cũng nhẹ nhàng hơn, không ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị các nhà khoa học, chuyên gia y tế, ban chỉ đạo phòng, chống dịch… sớm nghiên cứu để người lao động là F0, F1 được đi làm bình thường.

Tính toán xem xét Covid-19  là bệnh đặc hữu

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Ngày 14-3, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 604 kèm hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19. Hướng dẫn mới bổ sung chi tiết hơn các loại thuốc, vật dụng cần thiết cho F0 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ khi điều trị tại nhà. Đặc biệt thay đổi về điều kiện cách ly, theo đó yêu cầu tạo không gian cách ly riêng cho F0, nơi cách ly phải thông thoáng, luôn mở cửa sổ...

Ngày 17-3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022-2023. Mục tiêu cụ thể của Chương trình là bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19: Đến hết quý I-2022 hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người dân từ 12 đến dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm chủng, trừ các đối tượng chống chỉ định tiêm; bảo đảm đủ vắc-xin và hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trước 9-2022.

Về kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19, mục tiêu đặt ra là tất cả các cấp chính quyền có kịch bản phòng, chống dịch; tất cả mọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm và cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá. Có chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn; giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của châu Á.

Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến. Tất cả các đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị… đều được bảo đảm tiếp cận các dịch vụ y tế.

Đánh giá về những đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết: Nhìn tổng thể bối cảnh chung trên toàn thế giới, đại dịch Covid-19 đã chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn khác. Tại Việt Nam, độ phủ vắc-xin lớn, biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao nhưng số chuyển nặng và tử vong không cao.  Khi chúng ta xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, đưa Covid-19 vào danh sách các bệnh lý đường hô hấp, cụ thể là do chủng virus SARS-CoV-2 gây nên thì ai có triệu chứng mới vào viện để điều trị, những trường hợp cần xét nghiệm mới xét nghiệm. Lúc bấy giờ tâm lý người dân sẽ ổn định và nhẹ nhàng đi qua đại dịch.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Các đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu cần sớm được thực hiện, bởi khi đó các phương án phát triển kinh tế, mở cửa đón du khách quốc tế mới mang lại hiệu quả cao nhất. Khi Covid-19 đã là bệnh thông thường, các thủ tục thông thương, nhập cảnh sẽ dễ dàng hơn…

Võ Hóa