Khi chủ doanh nghiệp ngại Đoàn, không muốn Hội?
Tuy nhiên, đoàn kết, tập hợp TNCN và xây dựng tổ chức Đoàn, Hội trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cả về số lượng và chất lượng. Bài toán khó này đến nay vẫn chưa có lời giải thoả đáng. Bởi đây không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Đoàn, Hội mà còn cần có sự quan tâm đồng bộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các chủ doanh nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn và ý thức của bản thân TNCN.
Anh Phùng Đức Trình, Bí thư thôn Xuân Bách (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết:
- Đa số chủ doanh nghiệp không ủng hộ việc thành lập tổ chức Đoàn, Hội trong doanh nghiệp vì họ nghĩ rằng sẽ giảm năng suất lao động và giảm hiệu lực quản lý (!).
Ý kiến của anh Trình là thực trạng đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài, nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các chủ doanh nghiệp, khi mà còn không ít tổ chức Đoàn, Hội hoạt động chưa hiệu quả. Ngoài nguyên nhân do thiếu về số lượng thì chất lượng đội ngũ cán bộ cũng là vấn đề cần quan tâm. Hiện còn nhiều người chưa có chuyên môn, nghiệp vụ mà chỉ có sự nhiệt tình trong công tác. Vì thế nhiều nơi hoạt động nghèo nàn, thiếu sáng tạo về nội dung, đơn điệu, kém hấp dẫn về hình thức. Có phong trào chỉ sau một thời gian ngắn phát động là “chết yểu”, do nhạt nhẽo, không còn thu hút được thanh niên tham gia.
Nguyên nhân thì có nhiều nhưng phải kể đến "bệnh hình thức" thường gặp phải trong nhiều phong trào dành cho thanh niên. Để hoạt động Đoàn, Hội gần gũi và thiết thực với TNCN, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn, Hội thì việc đổi mới nội dung sinh hoạt phù hợp với tâm lý của giới trẻ và sự phát triển của xã hội là rất cần thiết, như: gửi các thông điệp qua email, facebook; xây dựng website tuyên truyền về Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, các chính sách liên quan đến người lao động...; tranh thủ tổ chức hội thảo online theo chủ đề vào giờ nghỉ giải lao của TNCN; mở các cuộc thi, hội thảo theo nhóm nghề nghiệp, nhóm sở thích như: thể thao, ca hát, nữ công, công nghệ...; tổ chức các hoạt động hỗ trợ học tập, nâng cao trình độ tay nghề; giúp đỡ TNCN gặp hoàn cảnh khó khăn...
Về phía TNCN, cũng còn những nguyên nhân khiến họ không còn thời gian hoặc không muốn tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội như thường xuyên phải làm việc tăng ca, thêm giờ theo yêu cầu của doanh nghiệp để đảm bảo cuộc sống vốn còn rất nhiều khó khăn; hay phải chuyển chỗ ở do thay đổi nơi làm việc, chủ nhà trọ cắt hợp đồng… Đó là chưa kể, còn một bộ phận TNCN còn lệch lạc về lối sống, thích sống tự do, ngại sinh hoạt tập thể, không quan tâm đến việc tự học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề nên khó vận động, tập hợp.
Để lôi cuốn TNCN đến với Đoàn, Hội, cần tập trung xây dựng một số hoạt động trọng tâm có nội dung và hình thức phù hợp với thế mạnh của công tác Đoàn, Hội, đặc biệt là phát triển "kĩ năng mềm" cho TNCN. Hiện nay, các chuyên gia nhân sự nhận định, những người thành đạt chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kĩ năng mềm mà họ được trang bị như: giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng, khả năng lãnh đạo, sáng tạo, đổi mới... Trước thực trạng có tới 82% nhà tuyển dụng lao động phàn nàn kĩ năng mềm của ứng viên vừa thiếu lại vừa yếu, tổ chức Đoàn, Hội cần nhanh chóng triển khai xây dựng chương trình, bồi dưỡng cán bộ nòng cốt giúp TNCN có thêm sự tự tin, vững vàng trong công việc và cuộc sống.
Ngoài ra, việc tiếp cận “ông chủ” cũng là một thách thức không nhỏ đối với cán bộ Đoàn, Hội. Anh Nguyễn Trường Thi, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Yamaha-moto Việt Nam, một cơ sở Đoàn được giới chủ doanh nghiệp ủng hộ và đánh giá cao, "mách nước": - Trong các doanh nghiệp nước ngoài, 60% quyền quyết định thuộc về lãnh đạo người nước ngoài, 40% còn lại thuộc về lãnh đạo người Việt. Vì vậy, chúng ta phải tiếp cận từng bước, trước hết là tìm sự hậu thuẫn của lãnh đạo người Việt. Sau đó, mới tiếp cận lãnh đạo nước ngoài.
Đã có tổ chức Đoàn, Hội của một số tỉnh, thành phố chuyển hướng tới khu vực có đông dân cư để thành lập các chi hội tại các khu nhà trọ. Điển hình là Đoàn Thanh niên tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, có 80% số lao động ở độ tuổi thanh niên trong tổng số khoảng 600.000 lao động đến từ khắp các địa phương trong cả nước. Cách làm của tỉnh là xây dựng đội ngũ cán bộ, thủ lĩnh thanh niên năng động, sáng tạo; mọi hoạt động phải tạo được niềm tin và tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các cấp uỷ đảng, chính quyền, thậm chí của cả các chủ nhà trọ; phối hợp với tổ chức công đoàn cùng chăm lo đời sống tinh thần và bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Nòng cốt của của các ban chủ nhiệm, ban điều hành chi hội, CLB chủ yếu dựa vào thanh niên địa phương. Có thể là con em của chủ nhà trọ và một số TNCN có việc làm ổn định, để nếu hội viên có chuyển đổi chỗ ở thì vẫn còn “khung” để tiếp tục duy trì hoạt động. Với phương châm "Ở đâu có thanh niên, ở đó có hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội", Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bình Dương đã góp phần tập hợp, đoàn kết thanh niên địa phương và thanh niên lao động từ các tỉnh đến, hướng phong trào vào giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở địa phương; tạo sự an tâm cho TNCN khi đến tỉnh lao động, sinh sống.
Việc tập hợp, đoàn kết thanh niên lao động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiệu quả sẽ từng bước làm thay đổi nhận thức của giới chủ về vai trò, sự ảnh hưởng của hoạt động Đoàn, Hội, khích lệ TNCN tích cực tham gia sản xuất, gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp. Cốt lõi là ở cách làm và tính hiệu quả của phong trào./.
Hồ Thanh Hương