Khẩu chiến dữ dội giữa Mỹ và Triều Tiên
Theo đó, lực lượng chiến lược của Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) lập kế hoạch tấn công bao trùm đảo Guam bằng loạt 4 tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung, “nhằm tiêu diệt lực lượng kẻ thù ở căn cứ quân sự chính này cũng như gửi thông điệp cảnh cáo tới Mỹ”. Cụ thể, 4 tên lửa Hwasong-12 sẽ bay qua không phận các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản, với hành trình 3.356,7km và đáp xuống cách Guam khoảng 30-40km. Kế hoạch tấn công đảo Guam sẽ được triển khai bất cứ khi nào nhà lãnh đạo Kim Jong Un đưa ra quyết định.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đưa ra một mục tiêu nhắm tới của tên lửa cụ thể là đảo Guam của Mỹ. Trước đó, các tuyên bố của nước này thường chỉ là lời cảnh báo chung chung, không xác định.
Nằm trong quần đảo Marianas ở Tây Thái Bình Dương, với diện tích 337 km2 và có dân số 162.000 người, Guam là nơi có những căn cứ quân sự lớn, hiện đại nhất của Washington bên ngoài lục địa Mỹ. Tại đây, không quân Mỹ bố trí các máy bay chiến lược B-1B, B-2 và B-52, còn hải quân Mỹ triển khai 4 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles trang bị hàng chục tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 3.100km. Đây là những vũ khí Mỹ có khả năng uy hiếp trực tiếp đến Triều Tiên.
Ngoài ra, từ tháng 4-2013 Mỹ cũng bố trí một hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) với 48 tên lửa đánh chặn và hệ thống radar AN/TPY-2. Hệ thống này có thể bảo vệ Guam khỏi mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.
Việc Triều Tiên đe dọa tấn công Guam không chỉ động chạm tới trung tâm lợi ích Mỹ trong khu vực, mà còn gây nên sự bất an đối với những người dân Guam vốn không muốn có sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại đây. Chính vì vậy, song song với những nỗ lực ngoại giao, Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào 20 địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên. Các đồng minh của Mỹ trong khu vực - Nhật Bản và Hàn Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng đối phó nếu Triều Tiên tấn công Mỹ.
Các chuyên gia cho rằng, việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là những điệp khúc quen thuộc mà Triều Tiên sử dụng trong nhiều năm qua. Nó không đồng nghĩa với việc nước này sẽ thực hiện một cuộc tấn công thực sự nhắm vào Mỹ. Các nhà lãnh đạo phương Tây trong quá khứ vẫn hiểu điều này và thường để ngoài tai lời hăm dọa trên. Do đó, phản ứng thái quá của Tổng thống Trump được cho là không cần thiết trong tình hình hiện tại. Bằng cách đưa ra lời đe dọa không kém phần táo bạo với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ đang đưa căng thẳng khu vực lên mức độ mới. Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho rằng leo thang khẩu chiến sẽ không giúp giải quyết xung đột trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời không ủng hộ giải pháp quân sự mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mới đây để giải quyết vấn đề này. Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thì thúc giục Tổng thống Mỹ và chính quyền Triều Tiên tránh các lời nói và hành động có thể làm tồi tệ thêm tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Ngay tại Mỹ, Thượng nghị sĩ John Mc. Cain không đánh giá cao lời “hùng biện” của Tổng thống Trump. “Bạn phải chắc chắn rằng mình làm được thì hãy nói” - ông Mc. Cain bình luận. Còn chuyên gia tại Viện Mỹ - Triều Tiên, Jenny Town, nhận định: “Mọi thứ sẽ không trở nên an toàn hơn bằng cách đe dọa Triều Tiên, mà ngược lại, nó càng gieo thêm thù hận cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng lâu nay”.
Đăng Song