Khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan
Dự Lễ có đại biểu là cấp ủy, chính quyền địa phương, Quân khu 4, các cơ quan Bộ Quốc phòng và các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, doanh nhân là con em xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu.
Cù Chính Lan sinh năm 1930, là người con của quê hương Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 1946, Cù Chính Lan xung phong nhập ngũ vào Trung đoàn 9, thuộc Sư đoàn 304 sau này.
Ngày 30-1-1952 (tức ngày mùng 4 tết Nhâm Thìn), đơn vị anh được lệnh đánh đồn Gô Tô (Hòa Bình). Tiểu đội anh được giao nhiệm vụ mở cửa hàng rào cho đơn vị tấn công. Dù bị thương nặng 3 lần, anh vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi hy sinh.
Ngày 19-5-1952, anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Quân đội (này là Anh hùng LLVTND). Trong Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất ngày 10-8-1952, Cù Chính Lan được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Quân công hạng hai, Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Để ghi nhớ và tôn vinh người Anh hùng liệt sĩ và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, theo nguyện vọng của cán bộ và nhân dân, năm 2002 huyện Quỳnh Lưu đầu tư xây dựng Bia tưởng niệm Anh hùng Cù Chính Lan ngay trên vùng đất linh thiêng đầu làng, cùng với các di tích danh nhân khác của quê hương.
Do điều kiện kinh tế lúc đó, nên quy mô công trình còn khiêm tốn; sau 15 năm, một số hạng mục công trình bị xuống cấp,
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, liệt sĩ (27-7), các đồng chí tướng lĩnh quê hương Quỳnh Đôi đề xuất nâng cấp Khu tưởng niệm làm cơ sở giáo dục cách mạng cho lớp lớp thanh thiếu niên trong xã, đồng thời làm đẹp quê hương Quỳnh Đôi là xã văn hóa, xã anh hùng, góp phần xây dựng xã nông thôn mới.
Ý tưởng này được đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước cùng 13 đồng chí cấp Tướng quê hương Nghệ An, Hà Tĩnh như Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Thiếu tướng Hồ sĩ Hậu, cùng một số sĩ quan và một số cơ quan doanh nghiệp thuộc BTL Công binh, Quân đoàn 2, Quân chủng Hải quân, Quân khu 4 nhiệt tình đóng góp. Họa sĩ Đỗ Thanh Phiên, CCB của Quân chủng PKKQ và Binh chủng Công binh nhiệt tình thiết kế tính toán chỉ đạo từ đầu đến lúc hoàn thành. Mọi công sức của họa sĩ đều cung tiến cho công trình ý nghĩa này.
Trong quá trình tôn tạo Khu di tích, ảnh chân dung gốc của Anh hùng liệt sĩ được sưu tầm và ngày hy sinh của đồng chí cũng được xác minh đúng với lịch sử là ngày 30-1-1952 (tức ngày mùng 4 Tết Nhâm Thìn).
Phát biểu tại Lễ khánh thành tượng đài, đồng chí Lê Thành Nhân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Lưu cảm ơn sự đóng góp của các tướng lĩnh, các doanh nhân... Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu cũng như nhân dân xã Quỳnh Đôi sẽ gìn giữ công trình để giáo dục thế hệ trẻ tại quê nhà.
Việc xây dựng nâng cấp Bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Cù Chính Lan là việc làm đầy ý nghĩa, tỏ lòng tri ân với đồng đội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đây cũng là một công trình văn hóa, lịch sử của quê hương, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau, đồng thời là di tích cách mạng tô đậm thêm truyền thống của làng văn hóa, xã anh hùng.
Hồ Sĩ Tá