Khẳng định vai trò của tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường
Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu với tên gọi "Hội nghị hành động khí hậu địa phương COP28” sẽ diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào cuối tháng 11-2023. Hội nghị sẽ cung cấp một nền tảng quốc tế lớn và quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với các quốc gia.
Theo kế hoạch, trước thềm Hội nghị COP28, đại diện lãnh đạo các tôn giáo lớn trên thế giới nhóm họp và thảo luận về trách nhiệm của các tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề về khí hậu và môi trường cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của các tôn giáo trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo tôn giáo trên thế giới diễn ra trong hai ngày, ngày 6 và 7-11, tại thủ đô Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Trong hai ngày, các vị lãnh đạo tôn giáo đại diện cho các tôn giáo lớn, các học giả và chuyên gia môi trường trên thế giới sẽ thảo luận về trách nhiệm của lãnh đạo tôn giáo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu; đại diện các tôn giáo cũng sẽ thảo luận về sự hợp tác giữa đức tin và khoa học nhằm thu hẹp khoảng cách giữa bằng chứng thực nghiệm và giáo lý tâm linh, thảo luận các chiến lược để tiếng nói của các lãnh đạo tôn giáo được lắng nghe, nhằm nâng cao ảnh hưởng của các tôn giáo trong việc giải quyết các vấn đề lớn trên thế giới, trong đó có việc bảo vệ môi trường.
Đại sứ Majid Al Suwaidi - Tổng giám đốc và Đại diện Đặc biệt của Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tại COP28 khẳng định: "Các cộng đồng và tổ chức dựa trên đức tin đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thế giới giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Để làm nổi bật điều này, COP28 sẽ là COP đầu tiên tổ chức một gian hàng dành riêng cho sự tham gia của các cộng đồng đức tin. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp một sân khấu toàn cầu để thúc đẩy sự tham gia tôn giáo và đối thoại liên tôn giáo với mục đích truyền cảm hứng cho các mục tiêu đầy tham vọng và hành động cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”.
Tiến sĩ Sultan Al Jaber - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Tiên tiến của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và là Chủ tịch của COP28 cho biết: Thế giới cần giảm 43% lượng khí thải hằng năm, tức giảm 22 tỷ tấn khí thải vào năm 2030, để có thể duy trì nhiệt độ tăng ở mức 1,5 độ C. Do đó phải nhanh chóng xây dựng một hệ thống năng lượng loại bỏ mọi nhiên liệu hóa thạch, bao gồm cả than đá, đồng thời hạn chế cacbon toàn diện khỏi các nguồn năng lượng mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Điều đặc biệt quan tâm tại COP28 là những cam kết chuyển đổi năng lượng nhanh chóng, công bằng và bình đẳng để không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là 800 triệu người hiện chưa được tiếp cận năng lượng.
COP28 cũng kêu gọi các công ty dầu khí đạt mục tiêu không phát thải khí mê-tan và bị đốt cháy vào năm 2030; đồng thời hướng tới mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050 và hướng tới 4 mục tiêu chính là: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và có trật tự; thúc đẩy tài chính khí hậu; đặt trọng tâm vào con người, thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế; hỗ trợ việc này một cách toàn diện.
“Chúng ta cần tất cả các bên thực hiện những lời hứa mà họ đã đưa ra, bao gồm khoản tái cấp vốn lần thứ hai và đầy tham vọng hơn cho Quỹ “Khí hậu xanh” và khoản tài trợ khí hậu hàng năm trị giá 100 tỷ USD đã hứa hơn 10 năm trước. Nguồn tài chính là chìa khóa có thể giải quyết tình trạng bế tắc hiện tại. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là trọng tâm của hành động khí hậu thành công” - Tiến sĩ Sultan Al Jaber chia sẻ.
Nguyễn Tiến