Khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), thời gian qua, kể từ ngày chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đầu tiên được bảo hộ ở Việt Nam, số lượng CDĐL ngày càng tăng. Bước đầu, CDĐL giúp các địa phương, doanh nghiệp định hình một giải pháp sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị, tính cạnh tranh của sản phẩm. Sau khi được công nhận thương hiệu, nhiều sản phẩm phát triển tốt trên thị trường Đến nay, cả nước có 60 CDĐL được bảo hộ với 38 tỉnh, thành phố, trong đó 15 tỉnh, thành phố có từ hai CDĐL trở lên. Bước đầu, CDĐL đã có những tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương; sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân đến sản xuất và phát triển thị trường; góp phần nâng cao giá trị, giá bán sản phẩm trên thị trường, tiêu biểu như, giá cam Cao Phong (Hòa Bình) tăng gần gấp đôi; mật ong bạc hà Mèo Vạc (Hà Giang) tăng 80%; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) tăng 10-15%... “Nước mắm Phú Quốc” là CDĐL đầu tiên của Việt Nam được đăng ký bảo hộ (năm 2001) với chất lượng đặc trưng, danh tiếng lâu đời, được sản xuất trên đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Đến nay, CDĐL nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại 28 nước thuộc Liên minh châu Âu; sản xuất tăng 20-25%, tăng giá 30-50% so với trước khi được cấp CDĐL. Sau 10 năm được cấp CDĐL, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vươn tới thị trường Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan và được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 nước: Lào, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Xinh-ga-po, Ô-xtrây-li-a, Mỹ, giá vải thiều Lục Ngạn tăng 50%. Vải thiều Lục Ngạn và nước mắm Phú Quốc là số ít các CDĐL được khai thác hiệu quả…
Thành công là vậy, nhưng xét trên tổng thể thì chúng ta lại chưa khai thác được hiệu quả mà lẽ ra thương hiệu nông sản đem lại. Việc xâm phạm thương hiệu nông sản Việt Nam trên thực tế cho thấy, cứ nhãn hiệu nào xuất hiện thành công đều gần như ngay lập tức trở thành mục tiêu để các doanh nghiệp làm ăn phi pháp ăn theo. Gạo Nàng Thơm chợ Đào từng là sản vật tiến vua, đặc biệt thơm ngon khi trồng ở xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, Long An), sản lượng chỉ chừng 1.000 tấn/năm nhưng đâu cũng thấy bán gạo Nàng Thơm chợ Đào với số lượng rất lớn. Rượu đế Gò Đen cất bằng loại nếp trồng trên đất Gò Đen và loại men gia truyền sau hàng trăm năm tồn tại, năm 1990 khi tỉnh Long An làm thủ tục đăng ký độc quyền nhãn hiệu mới té ngửa vì thương hiệu đã được cấp hợp pháp cho một công ty ở T.P Hồ Chí Minh... Trong số 63 thương hiệu quốc gia (THQG) hiện nay có tới 44 doanh nghiệp không đưa logo Chương trình THQG lên website. Nhiều doanh nghiệp quảng bá bằng mang sản phẩm đến các sự kiện, hội chợ nhưng truyền thông trên internet lại rất yếu, quảng cáo rầm rộ nhưng khi khách liên hệ điện thoại thì không ai trả lời. Đã có một số nông phẩm, thủy sản xây dựng được thương hiệu như gạo Điện Biên, nhãn xuồng Cơm vàng, vải thiều Thanh Hà, vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, kẹo dừa Bến Tre nhưng chưa có một thương hiệu đặc trưng mà chỉ tồn tại dưới dạng nhãn hiệu địa lý. Ở nhiều loại sản phẩm khác, người tiêu dùng khó nhận biết đâu là sản phẩm được cấp CDĐL do phần lớn sản phẩm không có tem nhãn, lô-gô trên sản phẩm. Dù được bảo hộ CDĐL từ năm 2010, nhưng đến nay, cam Vinh mới chỉ được một số ít hộ thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ CDĐL nhưng chưa được dán tem, nhãn cho nên người tiêu dùng rất dễ mua nhầm sâm giả…
Nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong hoạt động thương mại sau khi đăng ký bảo hộ CDĐL là do tổ chức đại diện chung cho quyền lợi của các nhà sản xuất, kinh doanh (hội, hiệp hội) hoạt động không hiệu quả. Người sản xuất chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa tự giác tham gia hội, hiệp hội để cùng bảo vệ danh tiếng sản phẩm. Để CDĐL thật sự mang lại lợi ích cho người sản xuất, người tiêu dùng và cộng đồng, vấn đề cần làm ngay là phải có hội, hiệp hội đủ mạnh; cơ quan quản lý cần trao đủ quyền cho các hội, hiệp hội về quản lý sử dụng và khai thác CDĐL, chính quyền cần vào cuộc để xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm CDĐL, hỗ trợ người dân để các nhà sản xuất yên tâm đầu tư. Xây dựng, bảo vệ và khai thác hiệu quả thương hiệu nông sản Việt, đem lại hiệu quả KTXH cho đất nước là việc gấp rút của các cấp chính quyền, của ngành chức năng và của người sản xuất lúc này.
Hoàng Huy