Mộc bản triều Nguyễn là những tấm gỗ khắc chữ Hán-Nôm để in ra thành sách, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và chế tác cách đây gần 2 thế kỉ, một số có niên đại cũ hơn được chuyển từ Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào Huế dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Anh Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết: “Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV hiện đang quản lý 34.619 tấm mộc bản thời Nguyễn, tương đương 55.320 mặt khắc, với 152 đầu sách với 1.953 quyển”.
Được biết, năm 1960, mộc bản triều Nguyễn được chính quyền Việt Nam cộng hòa chuyển từ Huế lên Đà Lạt. Để thực hiện điều này, người ta đã phải sử dụng một đoàn tàu hỏa để chở mộc bản, hiện nay, nếu sắp các tấm mộc bản lại với nhau, chiều dài toàn khối mộc bản sẽ là 16km.
Nội dung các bản khắc của mộc bản triều Nguyễn được xem là kho tri thức phong phú và đầy đủ nhất của dân tộc Việt Nam thời kỳ phong kiến. Tất cả các lĩnh vực như: Khoa học, giáo dục, văn học, nghệ thuật, luật pháp, lịch sử, tôn giáo… của dân tộc từ thời dựng nước đến thế kỷ 19 đều được ghi chép, phản ánh chân thực trong mộc bản. Trong kho mộc bản hiện có những bản khắc rất giá trị như: Bản khắc kể về truyền thuyết Hùng Vương, truyền thuyết Thánh Gióng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn, bài thơ thần “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi, quy mô thành Đại La vào năm Bính Tuất 866, “Hoàng thành nội” tức sơ đồ Hoàng thành Huế, việc vua Gia Long đổi quốc hiệu Việt Nam năm 1804, bản khắc việc vua Minh Mạng đổi và đặt tên tỉnh Hà Nội 1831, việc trùng tu Quốc Tử Giám năm 1234, việc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đỗ khoa thi Hương tại trường thi Nghệ An năm 1894, bản khắc “Hoàng Việt luật lệ”, bộ Luật nổi tiếng của triều Nguyễn được ban hành vào năm 1813… Đặc biệt, trong kho lưu trữ có 14 tấm mộc bản khẳng định chủ quyền của đất nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chất liệu mộc bản được làm bằng các loại gỗ quý như thị, mít và ngô đồng. Chữ khắc trên mộc bản là chữ Hán Nôm cổ khắc ngược (để in ra thành sách), có bản khắc bằng chữ Hán chân (chữa chân phương, đơn giản) nhưng cũng nhiều bản được khắc bằng chữ Hán thảo (chữ Hán thư pháp), nhiều tấm khắc sơ đồ, bản đồ, tác phẩm hội họa, họa tiết hoa văn. Một bản gỗ thường khắc hai mặt, mỗi mặt khắc hai trang, ở giữa hai trang là dòng chữ ghi tên sách, số quyển và số trang. Chữ trên mộc bản có kích cỡ rất nhỏ, khoảng 0,4cm2 với nhiều nét, thậm chí có chữ lên tơ#i 30 nét mảnh như sợi chỉ và vô cùng sắc nét, điều đó cho thấy, kỹ thuật khắc in của các nghệ nhân đã đạt tới trình độ điêu luyện và tinh xảo như thế nào. Dù đã trải qua hàng trăm năm nhưng khi đem in, các chữ trên giấy vẫn đẹp, rõ.
Với những giá trị đặc biệt trên các phương diện như: Vật mang tin, chất liệu và phương pháp chế tác, nội dung phản ánh… ngày 31-9-2009, mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”.
Những năm qua, bên cạnh làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ, Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV đã có nhiều hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu giá trị của mộc bản triều Nguyễn đến với công chúng trong và ngoài nước. Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, đơn vị đã sưu tầm, biên soạn và xuất bản 2 cuốn sách “Khoa bảng Thăng Long-Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn”, “Mộc bản triều Nguyễn- Chiếu dời đô và một số kiệt tác’. Năm 2011, Trung tâm đã biên soạn và xuất bản các cuốn sách như: “Khoa bảng Bắc bộ và Thanh Hóa” “Khoa bảng Nghệ An-Hà Tĩnh-Quảng Bình” “Khoa bảng Trung bộ và Nam bộ”. Năm 2013, nhân kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Trung tâm đã tổ chức triển lãm “Không gian mộc bản Triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới” giới thiệu những tư liệu đặc sắc nhất trong kho mộc bản cùng với quá trình thiên di, bảo quản mộc bản hơn 50 năm qua. “Hiện nay chúng tôi đang thực hiện cuốn sách “Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa qua mộc bản triều Nguyễn, dự kiến sẽ xuất bản trong năm nay”- Anh Nguyễn Xuân Hùng, phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, cho biết.
Bài và ảnh: Vũ Đình Đông