Khai mạc Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp.
Chiều 8-1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 29. Theo dự kiến chương trình, phiên họp diễn ra trong hai ngày, từ ngày 8 đến 9-1-2024.
Dự phiên họp có Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr; cùng đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 29 - phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024 với nội dung trọng tâm là cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào ngày 15-1 tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết trong thời gian 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung gồm: Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung về tài chính, ngân sách gồm: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Đề cập đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, có tác động sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội và tác động đến đời sống nhân dân; được xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học qua nhiều vòng, nhiều lần đã tổ chức lấy ý kiến đông đảo nhân dân với hơn 2 triệu lượt góp ý. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp rất nhiều lần để cho ý kiến về dự án luật này...
Theo đó, dự thảo cơ bản thể chế hóa, bao quát tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, bám sát tinh thần Hiến pháp, Cương lĩnh của Đảng và hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án luật đáng lẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp 6 vào cuối năm 2023, nhưng do có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau và để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh thời gian, xem xét tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 tới đây.
Đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là dự án luật quan trọng, có tính chất môn cao nhưng có tác động lớn với nhiều đối tượng, đến chính sách tài chính, tiền tệ của nền kinh tế vĩ mô, an ninh, an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia....; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích, thảo luận để hoàn thiện thêm một số vấn đề của dự án luật.
Nhấn mạnh thời gian họp không dài, nhiều nội dung khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu, cho ý kiến để phiên họp đầu năm có chất lượng cao nhất.
* Sau phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 29 của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến thành xem xét, cho ý kiến về: Dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
QĐND