Khai mạc Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-Thế giới lần thứ V
Cắt băng khai mạc Festival
Sáng 8/8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-Thế giới lần thứ V khai mạc tại làng lụa Hội An (TP. Hội An, Quảng Nam) với nhiều hoạt động giao lưu, trình diễn đậm bản sắc truyền thống.
Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam-Thế giới năm nay thu hút sự tham gia của 8 quốc gia và hàng chục làng nghề tơ lụa, thổ cẩm trong cả nước như: Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận; cùng với sự có mặt của gần 80 nghệ nhân đến từ miền núi cao phía Bắc như thổ cẩm Hà Giang, nghệ nhân Khơme ở An Giang, nghệ nhân Cơ tu của vùng núi miền Trung Quảng Nam và Đà Nẵng.
Đây là lần thứ 5 Festival được tổ chức tại làng lụa Hội An nhằm tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với thị trường quốc tế.
Điểm nhấn quan trọng của Festival lần thứ 5 là giới thiệu và xúc tiến đầu tư các dự án trên không gian văn hóa “Dòng sông lụa Quảng Nam” nằm trên trục nối hai di sản văn hóa Hội An và Mỹ Sơn. Dự án cũng bao gồm các hoạt động đầu tư du lịch đưa du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan không gian văn hóa dâu tằm, đem lại một bản sắc mới cho kinh tế du lịch Quảng Nam.
Ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội. Đây là điều kiện rất thuận lợi, là cơ sở để xây dựng ngành dâu tằm tơ thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Sau chương trình khai mạc, lễ dâng hương Bà Chúa Tằm Tang tại Làng lụa Hội An, sẽ có các cuộc gặp gỡ các đối tác sản xuất, nghệ nhân làng nghề cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia có truyền thống về lụa tơ tằm. Festival cũng tổ chức khu trưng bày những sản phẩm lụa và thổ cẩm Việt Nam; trình diễn quy trình ươm tơ dệt lụa, thổ cẩm truyền thống của các làng nghề như: Đũi Nam Cao (Thái Bình); thổ cẩm của đồng bào Cơtu (Quảng Nam, Đà Nẵng), đồng bào Chăm (Ninh Thuận), Khmer (An Giang), H’mông (Hà Giang), Nha Xá (Hà Nam)…
Lưu Hương