Khai mạc Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015
Sáng 5/12/2015, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và phát biểu tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015) với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn.
Diễn đàn VDPF 2015 được tổ chức trong bối cảnh 2015 là năm quan trọng của Việt Nam với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị lớn diễn ra, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2011-2015 với nhiều biến động, khó khăn và là năm tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nơi sẽ thông qua định hướng quan trọng nhất cho phát triển kinh tế xã hội đất nước giai đoạn tới. Năm 2015 là năm Việt Nam chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc tham gia Cộng đồng ASEAN; ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Đây sẽ là các yếu tố tác động nhiều mặt đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới với những cơ hội và thách thức đan xen.
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị bước sang một nhiệm kỳ Chính phủ mới, một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới 2016-2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực và quốc tế. Vì vậy, nội dung chủ yếu của Diễn đàn lần này Chính phủ mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những mục tiêu, định hướng cho Kế hoạch 5 năm 2016-2020, đặc biệt là những giải pháp đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới. Những ý kiến này sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 sẽ trình Quốc hội vào tháng 3/2016.
Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đánh giá cao những kết quả đạt được trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như những kết quả quan trọng trong hội nhập quốc tế nhất là hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua của Việt Nam. “Việt Nam đã hoàn thành thành công 5 năm đầu tiên trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược và chính trị quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2020 với các nhiệm vụ được thực hiện vào đầu năm 2016. Những sự chuyển tiếp này có thể bổ trợ cho nhau và mang lại kết quả phát triển tốt đẹp cho Việt Nam trong 5 năm tới” - Bà Victoria Kwakwa nói. Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đề xuất một số vấn đề ưu tiên để hội nghị tập trung thảo luận như những thách thức liên quan đến năng suất lao động, vấn đề môi trường và tăng trưởng, giảm nghèo và phúc lợi xã hội, năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ
Tại Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, các đối tác phát triển của Việt Nam tập trung thảo luận ở 3 phiên với các chủ đề chính là: Cơ hội và thánh thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực chất vào nền kinh tế thế giới; Bối cảnh kinh tế toàn cầu và các ưu tiên cho quản lý kinh tế vĩ mô; Lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; Thể chế kinh tế thị trường hiện đại; Huy động nguồn tài chính cho phát triển hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực;…
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và các Đối tác phát triển, đồng thời vui mừng thấy rằng nhiều khuyến nghị của Diễn đàn VDPF - 2013 và VDPF 2014 đã được cụ thể hóa thành những hành động cụ thể trên thực tế và đạt được những kết quả tích cực. Thủ tướng nhấn mạnh trong bối cảnh, tình hình mới đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp toàn diện và mang tính dài hạn để nâng cao tính độc lập, tự chủ, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển bền vững; đồng thời cho rằng chủ đề của Diễn đàn năm 2015 là phù hợp với trọng tâm chính sách của Việt Nam thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2011 - 2015, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cùng với sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của bạn bè và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng nghiêm túc thấy rằng còn rất nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém. Bước vào nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2020, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, Việt Nam cũng phải đương đầu, đối mặt, vượt qua những khó khăn thách thức không nhỏ. Theo Thủ tướng, những thách thức đó là sự phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn của kinh tế thế giới; tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, rất khó lường ở khu vực và trên thế giới; sự cạnh tranh rất quyết liệt, gay gắt trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế phát triển chưa thật bền vững, sức cạnh tranh của nền kinh tế, năng suất lao động của Việt Nam còn chưa cao. Cùng với đó, yêu cầu phát triển rất còn rất lớn, nhất là yêu cầu phát triển hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống của người dân, yêu cầu về phát triển giáo dục, y tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh ngày càng lớn trong khi nguồn lực của Việt Nam còn hạn chế. Cùng với đó là những hạn chế về năng lực quản trị của Nhà nước đối với nền kinh tế, những hạn chế về cơ cấu kinh tế, thể chế luật pháp, cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp với yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế. “Đây là những khó khăn thách thức rất lớn và chúng tôi đã nhận thức được điều này một cách sâu sắc. Chúng tôi không hề chủ quan, thoả mãn với những kết quả đạt được và sẽ quyết tâm vượt lên” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển 5 năm 2016-2020 của Việt Nam là phải phải triển nhanh hơn, bền vững hơn giai đoạn 2011 – 2015 với 4 trụ cột quan trọng. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế phải cao hơn, bền vững hơn với mục tiêu tăng trưởng trung bình 5 năm tới là từ 6,5% đến 7%/năm trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Hai là cùng với tăng trưởng kinh tế, phải phát triển văn hoá, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống người dân. Ba là bảo vệ và cải thiện môi trường. Bốn là phải bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược, theo đó, đột phá thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả mọi quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân. Đột phá thứ hai là phát triển giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Đột phá thứ ba là có chính sách phù hợp huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội, của tư nhân, nguồn lực trong nước và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại. “Chúng tôi coi nhân dân Việt Nam chính là người quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế, xây dựng đất nước” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam xác định và sẽ triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp lớn, theo đó nhóm giải pháp thứ nhất là tiếp tục tập trung, bảo đảm tăng trưởng, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm vững chắc hơn các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện quyết liệt, hiệu quả tái cơ trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung mạnh vào tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với nội dung trọng tâm là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước, đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động thật sự cạnh tranh, bình đẳng trong cơ chế thị trường; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính và phát triển thị trường vốn bền vững, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Giữ bội chi ngân sách giai đoạn 2016-2020 trung bình dưới 4% năm theo Luật Ngân sách mới. Bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công, bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Nhóm giải pháp thứ hai là tiếp tục tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Thực hiện đầy đủ hơn, hiện đại hơn, hiệu quả hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện tạo lập và phát triển các định chế của kinh tế thị trường để vận hành hiệu quả, đồng bộ trong đó có thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ và các loại thị trường khác. Ưu tiên phát triển kinh tế tư nhân. Nhóm giải pháp thứ ba là chủ động hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam hiện có 14 Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương (đã và sắp có hiệu lực) với 55 quốc gia có nền kinh tế phát triển, trong đó có 15 nước G20; đồng thời Việt Nam có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đã có hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Nhóm giải pháp thứ tư là cùng với phát triển kinh tế, tiếp tục tập trung phát triển văn hoá, bảo đảm tốt hơn tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống người dân, nhất là người dân sống ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để khoảng cách phát triển quá xa trong cộng đồng các tầng lớp nhân dân. Nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật. “Việt Nam coi phát triển con người, lấy lợi ích của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của sự phát triển” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Nhóm giải pháp thứ năm là tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống quản lý hành chính Nhà nước; cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện thể chế, luật pháp, bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu của người dân, quyền con người, quyền công dân mà Hiến pháp 2013 đã hiến định. Phát huy quyền giám sát, phản biện của các tổ chức đại diện của nhân dân; tăng cường năng lực giải đáp, giải trình, đối thoại với người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp. “Chúng tôi sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp để bảo đảm quyền dân chủ, tự do, quyền sở hữu, quyền con người, quyền công dân. Đương nhiên đây là một quá trình lâu dài, liên tục, không thể làm trong ngày một, ngày hai” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cho công dân Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước, cho bạn bè quốc tế đến làm ăn, sinh sống, đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam luôn nhất quán thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bình đẳng cùng có lợi với tất cả các quốc gia, dân tộc. Việt Nam luôn mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia, dân tộc trên thê giới, của các đối tác phát triển. “Chúng tôi chân thành cảm ơn sự ủng hộ giúp đỡ hiệu quả của các đối tác phát triển, các quốc gia đã góp phần cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, mong muốn tiếp tục nhận được sụ ủng hộ, hỗ trợ, hợp tác của tất cả các bạn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ./.