Khai hội cồng chiêng tưng bừng và hoành tráng (13/11/2009)
Mới hơn 5 giờ chiều, dòng người đã đổ về nơi diễn ra lễ hội. Công an tỉnh đã phải huy động tối đa lực lượng và các loại phương tiện để giữ gìn an ninh trật tự và hướng dẫn giao thông, đảm bảo người dân được hưởng trọn vẹn một đêm lễ hội tưng bừng và hoành tráng nhất từ trước tới nay.
Mặc dù đêm khai mạc lễ hội có truyền hình trực tiếp trên các kênh phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam và được thông báo liên tục cả mấy tuần nay, song người dân vẫn háo hức chờ đợi để được đến tận nơi xem. Xung quanh khuôn viên Lý Tự Trọng và Quảng trường 17/3, hàng vạn người đứng ngồi chật kín cả một khu vực. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân .
Gia đình chị Võ Thị Hương nhà ở cách Quảng trường 17/3 chưa đầy 1km, nhưng đã bắt đầu "khởi hành" từ lúc 6 giờ 30 chiều. Chị tâm sự: "Mình ở phố núi Pleiku này đã hơn 30 năm nay rồi nhưng chưa một lần được xem và nghe biểu diễn cồng chiêng của người Bahnar hoặc J'rai bởi không có điều kiện đến các buôn làng trong những ngày lễ hội".
Chị Hương chỉ biết đến nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng qua truyền hình nhưng hôm nay thì đã được "mắt thấy, tai nghe".
Một số bà con dân tộc ở làng Queen ở tận huyện Chư Sê cách Pleiku gần 30km, đã đánh chiếc xe cọc cạch về xem lễ hội từ lúc 3 giờ chiều.
Một người dân cho biết: "Làng mình đi xem nhiều lắm, ai cũng tranh thủ ra đồng từ sáng sớm để chiều nghỉ ngơi và xem lễ hội. Biết rằng biểu diễn cồng chiêng chẳng xa lạ gì với bà con mình, nhưng cái lạ là ở chỗ muốn xem biểu diễn của các dân tộc tỉnh khác và các nước quốc tế, để rồi tự hào cho dân tộc mình".
Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ I cũng thu hút sự chú ý với các du khách quốc tế, gần như người từ khắp các châu lục đều tụ hội tại đây. Đêm 11/11, hàng chục du khách "Tây balô" đã đến Quảng trường 17/3 chờ xem ngày khai hội.
Đêm lễ hội Festival Cồng chiêng quốc tế diễn ra đúng giờ, tưng bừng và hoành tráng không phụ lòng mong đợi của du khách. Sau phần lễ là phần hội, nghệ nhân cồng chiêng của các đội tham dự trong và ngoài nước đã biểu diễn hăng say và nhiệt tình dưới ánh đèn màu rực rỡ và hiện đại. Mọi người đều chăm chú thưởng thức, reo hò và cổ vũ không ngớt.
Festival lần này có đến 58 đoàn trong cả nước thuộc 23 dân tộc anh em có cồng chiêng và 5 nước trong khu vực Đông Nam Á về tham dự gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia và Phillipines. Ngoài biểu diễn cồng chiêng còn có các lễ hội quan trọng khác của các tộc người thiểu số được phục dựng như lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu mừng chiến thắng, tạc tượng nhà mò, hội làng nghề dệt thỏ cẩm...
Festival cồng chiêng quốc tế diễn ra liên tục cho đến ngày 15/11 tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Pleiku như: Quảng trường 17/3-Công viên Lý Tự Trọng, Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng và Công viên Về Nguồn.
*Theo TTXVN
- A. Hoàng