Khách bay đặc biệt
Cảng Hàng không Điện Biên chiều ngày 13-4-2024 có 2 cụ già ngồi xe lăn chờ bay chuyến VN1807, 19 giờ đi Nội Bài.
Cụ ông đeo Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ, Huy chương Chiến thắng hạng Nhất… Cụ bà thỉnh thoảng lại với sang, xoa bóp nhẹ cánh tay cụ ông… Hai người con, ông Chu Mạnh Thám và ông Chu Mạnh Lực trực tiếp săn sóc bố mẹ.
Nhân viên cảng Hàng không ân cần, sẵn sàng hỗ trợ các cụ lên tàu bay. Hành khách xúm xít xin chụp ảnh cùng hai cụ, lại tranh nhau hỏi chuyện…
Trả lời thay bố mẹ, ông Thám kể: “Bố tôi tên là Chu Mạnh Thắng, 94 tuổi. Mẹ tôi là Nguyễn Thị Phán, 88 tuổi, quê ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, thường trú ở T.P Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai. Tết Giáp Thìn 2024, sau khi mừng tuổi phụ mẫu, chúng tôi xin phép để Tết năm 2025 tổ chức kỷ niệm 70 năm ngày cưới hai cụ. Bố tôi nói ngay: “70 năm! Việc kỷ niệm cưới, thầy không ngăn cản, nhưng là việc sau! Còn việc trước mắt, là năm nay các con đi với thầy u lên Điện Biên Phủ để thắp hương cho đồng đội của thầy!”...
Trước ngày khởi hành, biết tôi định mời bác sĩ đến kiểm tra sức khoẻ hai cụ, cụ ông gắt nhẹ: “Tôi làm nghề y! Tôi biết chứ! Chúng tôi có làm sao đâu! Mà dẫu sức yếu, nhưng còn ăn được, còn ngủ ngon giấc thì dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng này, các con cho thầy đi thăm viếng các đồng đội còn đang nằm cùng cỏ cây trên đấy thì tốt quá!”.
Tới nơi, thắp hương cho đồng đội xong, cụ bảo: “Đưa thầy đến di tích hầm Đờ Cát, chụp bức ảnh kỷ niệm”.
Tại cửa hầm Đờ Cát, cụ lặng nhìn, hồi tưởng... “Chiều 7-5-1954, lúc mặt trời mới ngả về tây, quân ta từ các phía xốc tới đây. Bộ đội Trung đoàn 165 thuộc Đại đoàn ông Lê Trọng Tấn (cụ nói thế, thay vì gọi tên Đại đoàn 312) luồn dưới những làn đạn trọng liên của địch, băng qua cầu Mường Thanh, tiến áp sở chỉ huy quân Pháp. Tôi là y tá của Tiểu đoàn 115 cùng các đồng chí quân y bám đội hình, sẵn sàng băng bó cứu chữa anh em bị thương… Thời điểm đó, địch ít chống cự, nhiều toán ra giơ tay hàng. Cờ trắng xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Khoảng cuối chiều, ông Tạ Quốc Luật - Đại đội trưởng bên Trung đoàn 209 dẫn đầu tổ xung kích bắt sống tướng Đờ Cát… Lúc ông Lê Trọng Tấn báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Đã bắt được Đờ Cát, toàn bộ quân địch đã đầu hàng thì tất cả bộ đội hò reo, náo động cả một vùng…”.
Đầu năm 1955, do sức yếu, cụ Thắng chuyển ngành về phụ trách Bệnh xá xã Đồng Hóa quê hương. Gặp cụ bà lúc đó 19 tuổi, là nhân viên hộ sinh. Trai tài gái giỏi nên duyên, năm sau sinh con đầu lòng Chu Mạnh Thám… Tháng 5-1960, cụ Thắng được bổ nhiệm Y tá trưởng, phụ trách Bệnh xá Nông trường Ba Sao thuộc Bộ Nông trường, trên đất Kim Bảng (cạnh hồ Tam Chúc bây giờ) và công tác đến khi nghỉ hưu - năm 1982.
Cụ bà khoe: “Tôi tám lần đẻ. Không lần nào phải đến nhà hộ sinh hoặc bệnh xá, bệnh viện. Toàn ông nhà tôi đỡ “mẹ tròn con vuông”. Có mỗi mụn gái “chấy rận”. Bảy thằng con trai, sáu thằng lần lượt đi bộ đội. Bố đánh trận Điện Biên 1954 thì hơn 20 năm sau, con cả tham gia chiến dịch Bác Hồ, giải phóng miền Nam... Chúng tôi nay có 25 cháu, 11 chắt và cùng có Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Ông nhà tôi còn có cả Huy chương Chiến thắng hạng Nhất chống Pháp...".
Lúc tạm biệt để ra tàu bay, chúng tôi kính chúc hai cụ thọ trường, luôn an vui bên con cháu. Ông Lực ghé sang tôi: “Chúng em lớn lên thay nhau mặc áo trấn thủ, đắp chăn chiên bố em mang về từ chiến trường. Nay thấy trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ có trưng bày những thứ giống hệt như thế, xúc động quá anh ạ!”...
Phạm Xưởng