Khắc phục những hạn chế trong việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm
Theo đánh giá chung, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, khách quan, đúng pháp luật và được đông đảo cán bộ, nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ.Kết quả phiếu tín nhiệm cơ bản phản ánh đúng mức độ tín nhiệm của từng người tại thời điểm lấy phiếu; có tác dụng thiết thực đối với người được lấy phiếu, giúp họ tự điều chỉnh trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên việc quy định và quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi hạn chế, vướng mắc. Việc đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35 tập trung chủ yếu vào đối tượng lấy phiếu tín nhiệm; thời điểm lấy phiếu tín nhiệm; mức đánh giá trong lấy phiếu tín nhiệm; hệ quả đối với người được đánh giá “tín nhiệm thấp” đồng thời bổ sung, làm rõ một số điểm về quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
Cơ quan thẩm tra dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi - Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhất trí với việc tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35. Ủy ban pháp luật nhất trí với đề xuất sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như trong dự thảo Nghị quyết là tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của mỗi nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 tiếp tục tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm 2014. Quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm mỗi nhiệm kỳ một lần vừa bảo đảm cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ, vừa tạo điều kiện để cán bộ có đủ thời gian thể hiện năng lực, trình độ của mình, đồng thời tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị điều chỉnh hoặc thay thế cán bộ khi cần thiết. Ủy ban pháp luật nhất trí với việc tiếp tục quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm đối với việc lấy phiếu tín nhiệm như đã quy định trong Nghị quyết số 35 là “tín nhiệm cao,” “tín nhiệm,” “tín nhiệm thấp.” Việc xác định 3 mức này là bảo đảm tính thận trọng trong công tác cán bộ và phù hợp với đặc điểm công tác cán bộ ở nước ta. Cơ quan thẩm tra cho rằng, trường hợp người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn có sai lầm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống, thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền kiến nghị Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm để xem xét trách nhiệm của những người này.
Về hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp,” theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với người được lấy phiếu, khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ quá nửa nhưng chưa đến hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tiếp theo; người có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó.
PV