Khả năng Mỹ đơn phương tấn công Xy - ri (04/06/2012)

Tuyên bố của ông L.Pa-nét-ta có phần trái ngược với lời cảnh báo của Đại sứ Mỹ tại LHQ Xu-dơn Rai-xơ (Susan Rice) đưa ra trước đó đúng một ngày, rằng Mỹ có thể sẽ can thiệp quân sự vào Xy-ri nếu Nga và Trung Quốc tiếp tục phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Đa-mát. Theo lời ông L.Pa-nét-ta thì trên cương vị là người đứng đầu Lầu Năm Góc, ông có trách nhiệm đảm bảo rằng, nếu Mỹ có triển khai quân tới Xy-ri thì Mỹ phải “nhận được sự hỗ trợ cần thiết để hoàn thành sứ mệnh đó”. Tuy nhiên, ông L.Pa-nét-ta cũng khẳng định, tình hình rối ren tại Xy-ri trong thời gian gần đây khiến Oa-sinh-tơn sẽ không loại trừ bất cứ khả năng hành động nào. “Điều luôn quan trọng với chúng tôi là bảo lưu mọi lựa chọn có thể để hành động trong tương lai”, ông L.Pa-nét-ta phát biểu trước báo giới. Đồng quan điểm với ông L.Pa-nét-ta còn có Thư ký Nhà Trắng Giây Các-ni (Jay Carney) và Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn (Hilary Clinton). Ông Giây Các-ni cho rằng, Mỹ sẽ không can thiệp quân sự tại Xy-ri do lo ngại sẽ càng làm tình hình tại đây thêm rối ren, đồng thời kêu gọi chính quyền của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Basha al-Assad) sớm tiến hành một cuộc "chuyển giao chính trị hòa bình" để tránh đưa Xy-ri lâm vào một cuộc nội chiến đẫm máu. Ông Giây Các-ni cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần tiếp tục gây áp lực và cô lập chính quyền của Tổng thống Át-xát, qua đó mở đường cho một quá trình chuyển giao chính trị toàn diện. Ngoại trưởng Mỹ H.Clin-tơn (Hilary Clinton) cũng nhấn mạnh, Oa-sinh-tơn bác bỏ phương án can thiệp quân sự tại Xy-ri và tiếp tục ủng hộ kế hoạch hòa bình 6 điểm do Đặc phái viên chung của LHQ và Liên đoàn A-rập (AL) Cô-phi An-nan (Kofi Annan) đề xuất. Bà H.Clin-tơn kêu gọi Nga đứng về phía phương Tây nhằm tiếp tục gây sức ép lên chính quyền Xy-ri chấm dứt tình trạng bạo lực triền miên tại quốc gia này. Diễn biến ngày càng căng thẳng tại Xy-ri cũng khiến LHQ hết sức đau đầu. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) ngày 31-5 đã cảnh báo về "cuộc nội chiến thảm khốc" tại Xy-ri và cho rằng, nếu điều đó xảy ra, Xy-ri sẽ không bao giờ hồi phục được. Trong khi đó, cùng với việc kêu gọi các quốc gia khác tiếp tục gia tăng sức ép buộc Tổng thống An Át-xát phải tuân thủ kế hoạch hòa bình do ông C.An-nan đề xuất, Ngoại trưởng Anh Uy-li-am Ha-gơ (William Hague) cho biết, EU đang soạn thảo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Xy-ri. "Hiện chúng tôi đang làm việc với các đối tác EU của mình về những biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Xy-ri", Roi-tơ dẫn phát biểu của ông U.Ha-gơ. Tình trạng bạo lực tại Xy-ri đang khó có thể bị kiềm chế sau vụ thảm sát tại ngôi làng Hu-la, miền Trung Xy-ri, ngày 25-5 khiến hơn 100 người thiệt mạng. Vụ việc này đã khiến hàng loạt quốc gia phản ứng mạnh mẽ bằng cách trục xuất Đại xứ Xy-ri tại nước mình khi cho rằng, chính chính quyền Xy-ri đã gây nên những cái chết thương tâm cho dân thường. Liên quan đến vụ việc gây tranh cãi này, Roi-tơ ngày 31-5 đã đăng tải phát biểu của Chuẩn tướng Q.J.Xu-lây-man (Q.J.Suleiman), người đứng đầu Ủy ban do Chính phủ Xy-ri thành lập để điều tra vụ thảm sát cho biết, các cuộc điều tra sơ bộ cho thấy, 800 phần tử chống chính phủ Xy-ri, có trang bị vũ khí hạng nặng đã tổ chức các cuộc tấn công vào lực lượng quân Chính phủ và tàn sát các gia đình tại Hu-la. Theo ông Xu-lây-man, mục đích chính của hành động này là nhằm khuyến khích nước ngoài can thiệp quân sự vào Xy-ri. Phương Linh (Theo QDDND)