Khả năng một cuộc khủng hoảng mới
Kết quả, 92% cử tri đã chọn phương án độc lập, còn chính quyền Baghdad coi cuộc bỏ phiếu là vi hiến.
Người Kurd Iraq hiện kiểm soát khoảng 1/5 lãnh thổ Iraq, bao gồm cả vùng đất từ lâu họ đã tuyên bố chủ quyền nhưng thực ra đã được A rập hóa dưới thời Saddam Hussein. Từ năm 1991 đến nay, Kurdistan với dân số 6,5 triệu người luôn tìm kiếm sự độc lập. Trên thực tế, 3 tỉnh thuộc khu tự trị này đã có nhà nước riêng dù chưa được quốc tế công nhận. Quân đội Iraq không có quyền thâm nhập vào lãnh thổ người Kurd, chính quyền người Kurd bỏ qua sự chấp thuận của Baghdad để tự ký các hợp đồng dầu lửa với các công ty nước ngoài.
Trong cuộc chiến chống IS, lực lượng vũ trang Peshmerga của người Kurd đóng vai trò quan trọng trong việc giành lại những vị trí quan trọng như thành phố Kirkuk-được xem như Jerusalem của người Kurd, các khu vực chứa nhiều dầu Bai Hassan và Rabia - đồng thời là một cửa khẩu trọng yếu vào Syria.
Từ lâu, người Kurd không ngừng gây áp lực để đòi 3 nhượng bộ lớn từ phía chính quyền T.Ư ở Baghdad. Thứ nhất, một đạo luật hợp pháp hóa việc xuất khẩu dầu từ khu vực của người Kurd và cho phép họ hưởng lợi trực tiếp từ hợp đồng với các công ty nước ngoài trong việc quản lý và khai thác tài nguyên. Thứ hai, Baghdad giao lại toàn bộ phần của người Kurd trong ngân sách quốc gia. Thứ ba, lực lượng Peshmerga được trả lương từ kho bạc của chính phủ T.Ư.
Cuộc trưng cầu đương nhiên vấp phải sự phản đối quyết liệt từ chính quyền Baghdad. Mỹ không ủng hộ việc Kurdistan độc lập hoàn toàn khỏi Iraq, do lo ngại điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu và gây mất ổn định trong khu vực. Washington chỉ muốn sử dụng người Kurd làm tên lính xung kích thay cho bộ binh Mỹ trong cuộc chiến chống IS, và làm suy yếu tất cả các bên tham chiến. Các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cũng không thích ý tưởng về một nước Kurdistan độc lập tách khỏi Iraq, bởi khoảng 21 triệu người Kurd khác đang sinh sống trên lãnh thổ của ba nước này có thể tiếp nhận ý tưởng này.
Trong tình hình đó, cho dù kết quả đạt được “đa số tuyệt đối” thì cuộc trưng cầu dân ý cũng không thể giúp khu tự trị của người Kurd trở thành một nhà nước độc lập. Thực chất, người Kurd hướng đến mục tiêu chính là: tạo thêm ưu thế, gia tăng những đòi hỏi lợi ích về chính trị, kinh tế trong đàm phán với chính quyền T.Ư - việc mà Baghdad không thể không làm để duy trì toàn vẹn lãnh thổ của Iraq.
Nguyên Phong