Kết thúc tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XI (15/01/2011)
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đã trình bày tham luận với nội dung “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,” khẳng định mục tiêu mà dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó có thanh niên với tư cách là “lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ đó, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong Đảng lãnh đạo và tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện tốt những giải pháp về đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, truyền thống, lý tưởng, đạo đức và lối sống cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tượng thanh niên.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tổ chức có hiệu quả phong trào “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp,” đẩy mạnh thực hiện phong trào “Năm xung kích phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” rộng khắp trong tuổi trẻ cả nước để phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong lao động sáng tạo, sản xuất kinh doanh góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng hàng hóa và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Quán triệt quan điểm “xây dựng Đoàn là góp phần xây dựng Đảng trước một bước,” Đoàn thanh niên không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn và chất lượng đội ngũ cán bộ, thường xuyên giới thiệu cho Đảng những đoàn viên ưu tú có chất lượng…
Với chủ đề “Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh từng bước phát triển nền kinh tế tri thức,” đồng chí Châu Văn Minh, Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng để phát triển nền kinh tế tri thức cần phải có đội ngũ trí thức nhiều về số lượng và cao về chất lượng, đồng thời phải có cơ chế thích hợp để đội ngũ trí thức phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nhà nước tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng công nghệ mới hiện đại để đến năm 2020 đạt mức trung bình trên thế giới, trong đó phấn đấu khuyến khích đẩy nhanh tốc độ tăng đầu tư từ nguồn lực xã hội ngoài ngân sách. Nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, chú trọng các nghiên cứu cơ bản có trọng điểm, tập trung đầu tư để đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế…
Cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính trong khoa học công nghệ tạo động lực cho đội ngũ trí thức khoa học công nghệ phát huy sáng tạo; phát triển và hiện đại hoá nền giáo dục ở tất cả các bậc học, nhằm mục tiêu lâu dài là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; có chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh thích hợp với đội ngũ trí thức nói chung và chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài, hạn chế hiện tượng chảy máu chất xám…
Tham luận về “Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer”, đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Để xây dựng và thực hiện tốt chính sách dân tộc vùng đồng bào Khmer trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước cần đặc biệt chú ý đến đặc điểm, phong tục, tập quán liên quan đến sinh hoạt, đời sống, sản xuất, tín ngưỡng của đồng bào ở từng vùng, từng địa phương để có chính sách mang tính khả thi hơn.
Cần xem xét, đánh giá tổng thể những chính sách an sinh xã hội đầu tư cho đồng bào dân tộc; chấm dứt những chính sách không phù hợp để tập trung nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, dự án hiệu quả, tránh dàn trải.
Việc xây dựng chính sách dân tộc vùng đồng bào Khmer trong thời gian tới phải hướng vào sự phát triển toàn diện, song phải lấy phát triển nông nghiệp và thủy sản làm nền tảng, tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Đảng và Nhà nước cần có chính sách phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực cố gắng vươn lên của đồng bào Khmer. Tuy nhiên, hệ thống chính sách chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi và chỉ khi đồng bào biết phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của mình.
Để làm được điều này, trước hết phải sớm tập trung xây dựng Đề án đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc, thu hút lao động là người dân tộc, nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần ổn định đời sống cho đồng bào.
Đề cập vấn đề “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển bền vững”, đồng chí Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định trong suốt chặng đường 81 năm, tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và sức mạnh văn hóa đối với sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, do những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, lĩnh vực văn hóa cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định, tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống của dân tộc. Cần phải có những giải pháp khắc phục những yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, đi đôi với việc phát huy những thành tựu cơ bản đã đạt được, làm cho văn hóa thực hiện được sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp chung là mối quan tâm thường xuyên thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đề xuất các giải pháp, đồng chí Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh tới việc coi xây dựng con người là trung tâm của chiến lược phát triển đồng thời đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đặc biệt là tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”
Bên cạnh đó, cần thiết phải quan tâm đến lĩnh vực văn học, nghệ thuật-lĩnh vực nhạy cảm của văn hóa, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Giữ gìn và phát huy tài sản văn hóa của 54 dân tộc anh em là nhiệm vụ có ý nghĩa về văn hóa và chính trị to lớn trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Mặt khác, cần quan tâm phát triển ngành công nghiệp văn hóa; thực hiện đồng bộ các giải pháp của các cấp, các ngành, hoàn thiện thể chế văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở.
Theo đồng chí Hoàng Tuấn Anh, giải pháp mang tính quyết định là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hóa.
Tham luận chủ đề “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới,” , đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao khẳng định để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội XI cần quán triệt sâu sắc phương châm chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong hội nhập quốc tế. Sớm xây dựng chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế với mục tiêu và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, trước mắt là đến 2020 và đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá xã hội, để trên cơ sở đó các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và giới doanh nghiệp có chiến lược hội nhập của mình.
Cần thực hiện đúng phương châm “triển khai đồng bộ và toàn diện” các định hướng đối ngoại được Đại hội XI thông qua; tăng cường thống nhất quản lý các hoạt động đối ngoại. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa đối ngoại Đảng, Nhà nước, Quốc hội, địa phương và hoạt động ngoại giao nhân dân, phối hợp giữa các ngành, các cấp, các kênh tham gia các hoạt động đối ngoại.
Song song với việc thực hiện các định hướng và phương châm đối ngoại mới, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các định hướng lớn của đường lối đối ngoại thời kỳ đổi mới, đặc biệt là định hướng “đưa các quan hệ đối ngoại đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững”…
Cũng trong phiên họp chiều 14/1, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đã trình bày tham luận về “Một số nhiệm vụ, giải pháp xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; đồng chí Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam trình bày tham luận về “Một số vấn đề nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị”; đồng chí Hà Ngọc Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng trình bày tham luận “Về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và phát triển đảng viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thực trạng và giải pháp”; tiến sĩ Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về “Chế độ công hữu và sở hữu toàn dân về đất đai.”
Như vậy, sau 2 ngày thảo luận, góp ý kiến vào nội dung các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, đã có 27 đại biểu phát biểu, tham luận tại hội trường. Các tham luận, ý kiến còn lại sẽ được gửi tới Đoàn Chủ tịch Đại hội.
THANH LÂM