Kết quả xử lý các vấn đề phát sinh sau Tổng rà soát
PV: Thưa đồng chí Phó chủ tịch. Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và kết quả đạt được của cuộc Tổng rà soát.
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Chương trình Tổng rà soát lần này có quy mô lớn nhất từ trước tới nay; được triển khai đồng bộ từ T.Ư đến cơ sở; đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, được dư luận xã hội quan tâm và đánh giá cao. Kết quả chương trình có ý nghĩa thiết thực, giúp chúng ta đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công; giúp phân tích, làm rõ 3 nội dung đối với người có công: 1- Đã được hưởng đúng chính sách, 2- Được hưởng chưa đầy đủ, 3- Những người hưởng sai chính sách. Đồng thời, phát hiện những vấn đề chưa hợp lý trong thực hiện chính sách, kiến nghị lên cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh chính sách thời gian tới.
Về kết quả: Theo Bộ LĐTBXH, có 2.070.812 người có công được rà soát; trong đó có 1.982.796 đối tượng hưởng đúng chính sách (chiếm tỷ lệ 95,75%); có 86.201 đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách (chiếm tỷ lệ 4,16%); có 1.872 đối tượng hưởng sai chính sách (chiếm tỷ lệ 0,09%).
PV: Xin đồng chí cho biết kết quả chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chỉ thị số 23/CT-TTg của Hội CCB Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Thường trực T.Ư Hội đã chủ động ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai nhiệm vụ Tổng rà soát 3 đối tượng: thương binh, bệnh binh, người HĐKC bị nhiễm CĐHH và vận động cựu chiến binh cung cấp thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; tổ chức tập huấn (lồng ghép) hướng dẫn, cụ thể hóa nhiệm vụ đến Hội CCB 63 tỉnh, thành phố. Chỉ đạo Báo CCB Việt Nam và Thông tin CCB tuyên truyền, phổ biến chương trình Tổng rà soát tới 106.000 chi Hội ở thôn, bản, tổ dân phố; làm cho mọi cán bộ, hội viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa công tác Tổng rà soát; mục tiêu, yêu cầu, tiến độ quy định. Triển khai cụ thể ở 63 Hội CCB tỉnh, thành phố, 705 Hội CCB cấp huyện, thị; 11.164 Hội CCB cấp xã, phường; 106.000 chi Hội ở thôn, bản, tổ dân phố đã cử 117.900 cán bộ Hội có kinh nghiệm, có trách nhiệm tham gia Ban rà soát các cấp. Hội CCB các cấp chủ trì phối hợp rà soát 3 đối tượng, với 775.001 người có công, chiếm tỷ lệ trên 36,5% người có công toàn quốc: Thương binh 442.636 đối tượng (hưởng đúng: 437.868 đối tượng, đạt 98,92%; hưởng chưa đầy đủ: 4.457 đối tượng, 1%; hưởng sai: 311 đối tượng, 0,07%). Bệnh binh 151.994 đối tượng (hưởng đúng: 150.258 đối tượng, đạt 97,8%; hưởng chưa đầy đủ: 1.688 đối tượng, 1,11%; hưởng sai: 48 đối tượng, 0,03%). Người HĐKC bị nhiễm CĐHH 160.371 đối tượng (hưởng đúng: 156.939 đối tượng, đạt 98,92%; hưởng chưa đầy đủ: 4.457 đối tượng, 1%; hưởng sai: 311 đối tượng, 0,07%).
Vừa qua, T.Ư Hội đã phối hợp tổ chức Đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Tổng rà soát tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Nam, TP. Đà Nẵng và 2 huyện tại các địa phương trên, kết quả cho thấy, việc triển khai công tác tại các địa phương, quá trình thực hiện nghiêm túc, chính xác, công khai minh bạch, tạo được niềm tin cho các tầng lớp nhân dân.
PV: Thưa đồng chí, việc xử lý những phát sinh sau Tổng rà soát được các địa phương triển khai như thế nào? Hội CCB Việt Nam có kiến nghị gì để giải quyết các vướng mắc sau Tổng rà soát?
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Ngày 21-5-2015 Bộ LĐTBXH đã có công văn số 1874/LĐTBXH-NCC chỉ đạo gửi UBND các tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết những phát sinh sau Tổng rà soát, tập trung vào 3 việc: 1- Xem xét, giải quyết số đối tượng chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi; 2- Phân loại, giải quyết đối với những trưởng hợp chưa được xác nhận người có công; 3- Đình chỉ chế độ, truy thu quyền lợi đối với những trường hợp đã kết luận hưởng sai chính sách; tổ chức xác minh, kết luận những trường hợp có đơn thư tố cáo khai man, giả mạo hồ sơ.
Tổng hợp ý kiến phản ảnh của các cấp Hội, Hội CCB Việt Nam đã kiến nghị Bộ LĐTBXH một số nội dung sau:
- Đề nghị Bộ LĐTBXH công bố công khai kết quả Tổng rà soát, kết quả xử lý, giải quyết vướng mắc phát sinh sau Tổng rà soát.
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9-4-2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.
- Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những vướng mắc trong thực hiện Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.
- Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
- Ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục, thẩm quyền đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi; thu hồi thẻ thương binh, Bằng Tổ quốc ghi công; truy thu trợ cấp những đối tượng đã kết luận hưởng sai chính sách.
- Ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình, thủ tục, trách nhiệm giám định AND xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tăng cường tuyên truyền, phê phán, nghiêm cấm những hành vi sai trái, giả mạo, tiêu cực trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để trục lợi.
PV: Thưa đồng chí, Hội CCB các cấp có trách nhiệm gì trong việc hướng dẫn CCB và thân nhân người tham gia kháng chiến chưa được xác nhận liệt sĩ, thương binh, nhưng bị mất hết giấy tờ?
Trung tướng Nguyễn Song Phi: Hội CCB các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến đến CCB và thân nhân Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22-10-2013 của liên Bộ LĐTBXH-Bộ Quốc phòng hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.
Đối với Hội CCB cấp xã, phường là một trong 8 thành viên Hội đồng xác nhận người có công; có trách nhiệm phối hợp thẩm định hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản khi xác nhận liệt sĩ, thương binh.
CCB và thân nhân liên hệ trực tiếp với Ban CHQS và Hội CCB cấp xã, phường để được hướng dẫn cụ thể.
PV: Xin cảm ơn đồng chí.Quang Vinh (thực hiện)