Hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp đã được kiện toàn phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo vận hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương; đội ngũ cán bộ xây dựng nông thôn mới hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, cơ bản hình thành công tác tham mưu, giúp ban chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả và ảnh hưởng lớn đến nhận thức của cán bộ các cấp và người dân. Thông qua chuyên mục “Miền quê đáng sống” trên truyền hình VTV24, cuộc thi báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các hoạt động hưởng ứng Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” ở địa phương, không chỉ ở nông thôn mà cả ở khu vực thành thị, người dân đã hiểu rõ hơn về xây dựng nông thôn mới. Tại nhiều tỉnh, thành phố người dân đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt và từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm…
Tất cả các địa phương đều tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt hơn; dồn nguồn lực nhiều hơn, có nhiều cách làm sáng tạo, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng, nhiều địa phương quan tâm xây dựng tiêu chí thôn, bản, ấp và tập trung chỉ đạo từ cơ sở, đánh dấu một bước chuyển về chất trong thực hiện Chương trình (phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với an toàn thực phẩm, tổ chức lại sản xuất, môi trường và văn hóa cộng đồng…).
3.069 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Theo Báo cáo, đến hết 31/12/2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đã có trên 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (vượt mục tiêu năm 2017 có ít nhất 31% số xã đạt chuẩn), tăng 712 xã (7,97%); có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 13 huyện (vượt mục tiêu phấn đấu năm 2017 có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành văn bản để cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia. Bình quân tiêu chí/xã đạt 14,25 tiêu chí, tăng 0,07 tiêu chí so với cuối năm 2017, tăng 0,78 tiêu chí so với cuối năm 2016. Cụ thể, đến 31/12/2017, cả nước đã có 4.850 xã đạt tiêu chí giao thông; 7.611 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 4.983 xã đạt tiêu chí trường học; 4.681 xã đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, 6.330 xã đạt tiêu chí Nhà ở dân cư... So với cuối năm 2016, cả nước có 62,3% số xã đạt tiêu chí số 10 về Thu nhập (tăng 2,8%); 94,8% số xã đạt tiêu chí Lao động có việc làm (tăng 5,3%)…
Năm 2017, công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có bước đột phá lớn nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Đến nay, đã có khoảng 27 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn…
Chỉ còn 37/63 tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản
Các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, phấn đấu hành thành tiến độ theo chỉ đạo của Trung ương (tính đến cuối tháng 2/2018, còn 37/63 tỉnh nợ khoảng 4.934,7 tỷ đồng)...
Bên cạnh những kết quả trên, Chương trình cũng còn một số hạn chế, vướng mắc như: Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn khá lớn; tác động của thiên tai kỷ lục trong năm 2017 và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại về tài sản, con người và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, qua đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, hộ nghèo, môi trường; năng lực của bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là ở xã miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế…/.