Có thể khẳng định: An sinh xã hội, cơ bản bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tăng ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các chính sách xã hội. Kết quả, đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, nhất là về giảm nghèo. Mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức hỗ trợ và thực hiện đồng bộ nhiều chính sách người có công, giảm nghèo, tạo việc làm, trợ giúp xã hội, tín dụng cho học sinh, sinh viên nghèo... Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2016 còn khoảng 8,5%; riêng các huyện nghèo giảm từ 58,3% xuống còn 28%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%, trong đó đào tạo 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 21%. Chất lượng dạy nghề được cải thiện, đứng thứ 3 cuộc thi tay nghề ASEAN. Trong năm 2016, đã tạo việc làm cho gần 1,2 triệu người. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5,5%. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 12,8 triệu, bảo hiểm thất nghiệp đạt 10,8 triệu.
Chúng ta cũng làm tốt công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; giảm quá tải bệnh viện đạt kết quả bước đầu. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến cuối; phát triển đội ngũ cán bộ y tế. Tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 85%. Tuổi thọ trung bình đạt 73,3 tuổi. Tăng cường y tế dự phòng; chất lượng khám chữa bệnh và giảm quá tải bệnh viện từng bước được cải thiện. Tập trung nâng cấp, xây mới một số bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối và các cơ sở y tế vệ tinh. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, luân chuyển và đào tạo cán bộ cho tuyến dưới. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh; kết nối mạng hơn 14 nghìn cơ sở y tế. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Chế độ chính sách đối với người có công, gia đình chính sách tiếp tục hoàn thiện. Đã hoàn thành việc hỗ trợ về nhà ở cho gần 84.000 gia đình người có công theo Nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Về giáo dục, Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đạt 84,1%, có 53/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn. Đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo năng lực, phẩm chất người học và quá trình học tập. Tăng cường kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện chủ trương xã hội hóa trường công lập; đã có 17 trường đại học, cao đẳng công lập thực hiện cơ chế tự chủ...
Bước sang giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục coi bảo đảm đời sống cho người dân là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến 2020 xác định: Tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hoà với tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, ngày càng mở rộng và hiệu quả. Tạo cơ hội bình đẳng hưởng thụ các dịch vụ cơ bản, các phúc lợi xã hội. Đồng thời đề ra mục tiêu đến năm 2020, trong đó GDP bình quân đầu người theo giá trị thực tế đạt khoảng 3.000-3.200 USD; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2-3%/năm; phúc lợi, an sinh xã hội và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng được bảo đảm; thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư... Xóa nhà tạm đơn sơ, tỷ lệ nhà kiên cố đạt 70%, bình quân 25m2 sàn xây dựng/người. Cải thiện chất lượng môi trường, hạn chế tác hại của thiên tai, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng.
Bài và ảnh: Kim Loan