Kết nối kinh tế Việt Nam-Nhật Bản: Từ tầm nhìn đến hiện thực
Trong Tuyên bố Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, hai bên đã xác định rõ nội hàm của kết nối kinh tế là: Kết nối chiến lược phát triển kinh tế, kết nối năng lực sản xuất và kết nối nguồn nhân lực.
Bắt đầu từ hoạch định chiến lược phát triển
Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 33.000 USD, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, mới bước vào ngưỡng các nước có thu nhập trung bình.
Mặc dù vậy, hai nước có nhiều lợi ích tương đồng, có nhiều tiềm năng để bổ sung, tương trợ lẫn nhau; sự phát triển của nước này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nước kia.
Nhật Bản có tiềm lực mạnh, công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm và trình độ quản lý cao, trong khi Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú và một thị trường đầy tiềm năng. Các ngành công nghiệp thế mạnh của Nhật Bản như chế biến, chế tạo, xây dựng, năng lượng... đều rất cần đối với Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tự hào với thành tựu đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng những vị khách đến từ Việt Nam không khỏi trầm trồ khen ngợi khi được thưởng thức những hạt cơm trắng ngần, dẻo thơm của Nhật Bản. Chỉ có nông nghiệp công nghệ cao mới có thể nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm, đó cũng chính là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến.
Ngược lại, với Nhật Bản, Việt Nam là một đối tác quan trọng, đối tác chiến lược. Phó Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, ông Hitoshi Ogita đã nhấn mạnh: “Việt Nam là thị trường tiêu thụ hấp dẫn với 90 triệu dân, là cửa ngõ quan trọng hướng tới thị trường ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, gồm hơn 600 triệu dân và tổng GDP gần 2000 tỷ USD. Với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là địa bàn chiến lược để xây dựng chiến lược phát triển của họ trong chuỗi cung ứng hướng tới Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015.”
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Hai nền kinh tế có tính bổ sung, tương trợ cho nhau, không mang tính đối xứng, cạnh tranh nhau nên có thể kết nối được và việc kết nối này phải bắt đầu từ việc hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Ngay từ khâu hoạch định chính sách đã tính đến việc làm sao có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh của từng nước và việc kết nối để bổ sung cho nhau trong từng giai đoạn phát triển, cũng như từng chương trình phát triển cụ thể.”
Cụ thể hóa trong từng ngành, lĩnh vực
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng nói: “... Kết nối kinh tế giữa hai nước hết sức quan trọng. Đối với ngành giao thông vận tải, việc kết nối này thể hiện qua kết nối bằng đường hàng không, kết nối bằng đường biển, kết nối bằng hệ thống giao thông thông minh và kết nối bằng công tác quản lý giao thông đô thị... qua đó làm cho hai nước gần nhau hơn.
Bạn rất quan tâm đến các dự án nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án giao thông đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... Đây là những dự án lớn, khi hoàn thành đưa vào khai thác, sẽ làm thay đổi căn bản diện mạo hạ tầng của Việt Nam nói chung, hạ tầng giao thông vận tải nói riêng và chắc chắn sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.”
Trong đại tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tư cách là quốc khách của Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã yêu cầu chuẩn bị trái táo Nhật Bản. Ông cũng mong muốn được mời các vị khách Việt Nam thưởng thức hương vị trái xoài Việt Nam ngay tại Dinh thự của mình, nhưng theo thỏa thuận giữa hai bên, còn 2 ngày nữa (tức ngày 17/9/2015), trái xoài Việt Nam sẽ được phép nhập khẩu thị trường Nhật Bản và ngược lại Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho trái táo của Nhật Bản.
Trong số 10 văn bản hợp tác vừa được trao đổi, ký kết giữa hai bên, không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của bản ghi nhớ về Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản. Bởi theo ông, cả Nhật Bản và Việt Nam đều có văn hóa ăn cơm. Bản thân ông, cũng như nhiều người dân Nhật Bản, đã từng thưởng thức và rất thích món phở của Việt Nam.
Không chỉ là câu chuyện trái táo, trái xoài, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác nhằm nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh rằng thông qua khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao sẽ được tiến hành, phía Nhật Bản cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nhân lực để áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Hiện có rất nhiều dự án đang được thực hiện và tới đây hai bên tiếp tục phối hợp triển khai một loạt dự án nữa. Trong đó, Nhật Bản sẽ hỗ trợ để đầu tư thực hiện những dự án như ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bến Tre, xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá ở Khánh Hòa...
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác TPP, sắp tới hai nước sẽ thống nhất điều chỉnh về giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, tạo điều kiện cho hàng hóa hai bên được trao đổi thuận lợi hơn.
Thực tế đã chứng minh, Việt Nam và Nhật Bản vốn có quan hệ hợp tác từ lâu trong lịch sử và đã gặt hái nhiều thành tựu.
Với Tầm nhìn chung chiến lược, với những chương trình, dự án hợp tác cụ thể đã được ký kết, chắc chắn trong thời gian tới quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước sẽ có bước đột phá mới, góp phần thúc đẩy toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, đúng như nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản Yosida Soin từng nói: “Thành tâm hợp tác tất có thành quả tốt đẹp”./.
Theo TTXVN