Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng: Có địa bàn còn chưa nghiêm túc
Đại tá Phạm Đức Thọ - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ
Sau khi nghiên cứu, học tập Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, chúng tôi xin đóng góp vào phần đánh giá về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại nhiệm kỳ XII và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng nền quốc phòng, an ninh trong nhiệm kỳ tới.
Tại Chương II - Các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, chúng tôi xin đóng góp vào mục 1.5. Về Quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tôi đề nghị bổ sung thêm ba từ “chưa nghiêm túc” sau từ “địa bàn” và trước từ “chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả”, để đọc là “Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng có lúc, có nơi, có địa phương chưa nghiêm túc; chưa thực sự chặt chẽ và đồng bộ” (cột 5, mục 1.5, dòng 3 trên xuống, Phụ trương đặc biệt Báo Nhân Dân ngày 20-10 - trang 12).
Vì chúng tôi nghĩ rằng không phải không có địa phương, đơn vị các cấp ủy, chính quyền các cấp không thấy được vị trí, ý nghĩa của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng và quốc phòng với kinh tế là yêu cầu sống còn của chế độ, của Tổ quốc. Nhưng vì một số nơi do thiếu trách nhiệm, mất cảnh giác hoặc vì lợi ích kinh tế chi phối bất chấp quy luật nên tổ chức triển khai thực hiện không nghiêm túc, mà nhức nhối nhất là đặt các khu công nghiệp, kinh doanh du lịch, khách sạn; đặc biệt nghiêm trọng là cho các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đầu tư vào các vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Nếu không nhận thức đánh giá thật nghiêm túc, đề có phương hướng khắc phục kịp thời và triệt để thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Đại tá Phạm Đức Thọ - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Phú Thọ