Kết hợp "ba lực lượng" để ngăn học sinh đánh nhau (29/07/2010)
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Đây là vấn đề nghiêm trọng cần phối hợp của các bộ, ngành và toàn xã hội. Phó Thủ tướng còn nêu cụ thể cần sự phối hợp của "ba lực lượng" giáo dục là nhà trường, địa phương và công an.
Trong báo cáo của về tình hình học sinh đánh nhau do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý nêu rõ trong năm học 2009-2010, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Từ đó, các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo 1.558 học sinh, buộc thôi học có thời hạn ( 3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 học sinh.
Bình quân cứ 5.260 học sinh thì xảy ra một vụ đánh nhau; cứ 9 trường thì xảy ra một vụ học sinh đánh nhau. Trung bình cứ 10.000 học sinh thì có một học sinh bị kỷ luật khiển trách.
Tham dự hội thảo, Thiếu tướng Phạm Quang Đàm, Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phát biểu: Hiện nay, một phần tư số vụ án có đối tượng gây án, vi phạm ở lứa tuổi học đường. Nguyên nhân là do quản lý từ nhà trường, xã hội và gia đình còn buông lỏng, thiếu kiểm tra giám sát.
Thiếu tướng Phạm Quang Đàm cũng cho hay các quán bar, dịch vụ game online, tiệm cầm đồ, nhà hàng karaoke đều có thể có tác động xấu đến lứa tuổi học sinh, sinh viên. Có gia đình buông lỏng, có những hoàn cảnh éo le cũng trở thành chỗ hổng lớn ảnh hưởng xấu đến những học sinh vi phạm pháp luật. Trong khi đó, phía nhà trường phần lớn vẫn chú trọng dạy kiến thức chứ chưa dạy học theo tâm sinh lý lứa tuổi.
Đại diện Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng nhận định: Tuyên truyền pháp luật vẫn mang yếu tố hành chính, chưa đi vào thực chất. Vì thế, giải pháp được đại diện Bộ công an đề ra là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh song song với biên soạn lại sách và chương trình giáo dục pháp luật. Và Thiếu tướng Phạm Quang Đàm nhấn mạnh: Nên hạn chế hình thức đuổi học với học sinh.
Đứng ở góc độ khác, ông Hoàng Văn Tiến-Phó Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em của Bộ Lao đông- Thương binh và Xã hội đề xuất tăng cường trách nhiệm của cộng đồng, của gia đình. "Điều quan trọng là giáo dục để các em hiểu và có trách nhiệm bổn phận với gia đình và xã hội, chứ không chỉ yêu cầu về quyền lợi được hưởng của mình," ông Tiến nói.
Từ thực tế cần rút kinh nghiệm ở các nhà trường, ông Tiến đặt ra vấn đề: Cần tạo kênh thông tin chặt chẽ, thận thiện giữa nhà trường và phụ huynh để tránh tình trạng cứ có sự việc xảy ra nhà trường và gia đình mới gặp nhau giải quyết.
Bên cạnh đó, các đoàn thể trong nhà trường cũng cần tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, tham quan dã ngoại để xây dựng sự đoàn kết, đẩy lùi và giảm những mâu thuẫn gây ra đánh nhau trong học sinh. Cần chú ý nhóm giải pháp phân nhóm để học sinh bảo vệ lẫn nhau./.
Theo TTXVN
Cao Thúy