Kênh Giang: Niềm vui nhân đôi
Mảnh đất này còn có truyền thống cách mạng từ rất sớm. Trước năm 1945, tại khu vực Hà Phú, Trại Kênh, Hà Luận, cơ sở cách mạng được xây dựng tại nhà bà Nguyễn Thị Phiếu, cùng mẹ là cụ Nguyễn Thị Chủn. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, chính quyền các làng Mỹ Giang, Trại Kênh, Trà Sơn lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, cứu đói; xây dựng lực lượng tự vệ nhằm trấn áp bọn phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng. Khi thực dân Pháp đánh chiếm TP. Hải Phòng, nhân dân các làng Trại Kênh, Mỹ Giang, Trà Sơn chuẩn bị lực lượng chiến đấu, góp hàng nghìn cây tre rào sông, đắp ụ ở cầu Giá ngăn tàu địch, thực hiện “vườn không, nhà trống”. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Thủy Nguyên, nhân dân Kênh Giang tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam. Hàng trăm bà con trong xã đội khăn tang, kéo lên bốt cầu Giá đòi chồng con, yêu cầu Pháp phải thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ. 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân xã Kênh Giang tổ chức đánh địch hơn 100 trận, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu 29 súng các loại và nhiều đạn dược, phá hủy 3 xe quân sự...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ xã Kênh Giang lãnh đạo nhân dân vừa phát triển kinh tế vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của địch. Nơi đây trở thành địa bàn huấn luyện quân đội chi viện cho chiến trường miền Nam, là địa điểm sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp trong nội thành... Vì thế, mảnh đất này bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất nhưng nhân dân vẫn anh dũng bám đất, bám làng cùng lực lượng dân quân, du kích phối hợp với bộ đội chủ lực chống trả kiên cường. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Kênh Giang được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công. Xã có 9 Mẹ VNAH, 181 liệt sĩ, 35 thương binh và 25 cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm chất độc da cam. Hàng trăm cá nhân được tặng huân, huy chương các loại, nhiều hộ được tặng “Bảng Vàng gia đình vẻ vang”. Năm 2014, cán bộ và nhân dân xã Kênh Giang vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVTND thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.
Phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, cán bộ và nhân dân đã chung sức, đồng lòng xây dựng Kênh Giang từ một xã nghèo trở thành điểm sáng của huyện về sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, Kênh Giang tập trung cao độ cho chương trình xây dựng NTM, mạnh dạn chuyển những khu đất đồng trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi trồng thuỷ sản, cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, những khu đồng 60-70 triệu/ha ngày càng nhiều. Công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động được thực hiện tốt. Hiện nay toàn xã có 24 doanh nghiệp lớn, nhỏ, 116 hộ SXKD cá thể tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%, hộ cận nghèo 3,19%; thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm; xã có 95% dân cư được dùng nước sạch. Hằng năm có trên 90% gia đình đạt tiêu chí gia đình văn hóa. Với cách làm sáng tạo và sự khéo léo trong công tác “dân vận” nhân dân hiến hàng nghìn mét đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng đường nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng các công trình văn hóa… Kênh Giang cũng là một trong những địa phương đầu tiên của Thủy Nguyên xây dựng thành công cánh đồng mẫu lớn, áp dụng giống lúa mới cho năng suất cao, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ. Đến nay, xã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM.
Phấn khởi trước niềm vui, niềm vinh dự của một đơn vị Anh hùng, những ngày này cán bộ và nhân dân Kênh Giang đang ra sức thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ xã khóa XXX, nhiệm kỳ 2015-2020 với mục tiêu “Xây dựng Kênh Giang ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng LLVTND, tiến tới danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới”.
Duyên Minh