“Kẻ thù hung ác” của Đảng và chế độ

“Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác” nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu như vậy tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Rõ ràng, sau 10 năm kể từ khi Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực được đưa về trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng Bí thư làm Trưởng ban Chỉ đạo; công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo bài bản, quyết liệt, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu quả tích cực, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Những con số trong 10 năm qua, như: Xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, 167.700 đảng viên, trong đó có 170 cán bộ diện T.Ư quản lý đã khẳng định quyết tâm “chặt cành để cứu cây” của Đảng ta. Những luận điệu của các thế lực thù địch như “chế độ độc đảng thì không thể chống tham nhũng”, “Đảng chỉ đánh trống, ghi tên chứ không thực tâm chống tham nhũng” đã trở nên lố bịch, nực cười. Đảng ta đã phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Thế nhưng, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá, dù chúng ta giành được rất nhiều thành tựu thì tham nhũng vẫn là “kẻ thù hung ác” của Đảng, của chế độ ta. Vì sao như vậy?

Vì tham nhũng, tiêu cực hiện nay biến tướng rất tinh vi, rất khó phát hiện, kể cả các hành vi “tham nhũng vặt” ở các cơ quan công quyền cơ sở thì vẫn có tính tổ chức, sự cấu kết chặt chẽ của các “nhóm lợi ích”. Các loại hình tham nhũng mới như tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách thì lợi ích tham nhũng rất lớn, không chỉ là lợi ích vật chất mà cả lợi ích phi vật chất; không chỉ diễn ra trong khu vực công mà còn liên kết, móc nối với khu vực tư rất tinh vi. Đáng sợ nhất là tình trạng “tham nhũng vặt” diễn ra trước mắt người dân từng ngày, từng giờ, như những con “ghẻ ruồi” gặm nhấm, bào mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Đáng sợ hơn là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên đang nảy sinh tâm lý hoài nghi, lo ngại “làm cũng sai, không làm cũng sai”, “lỗi hệ thống rồi, xử lý kỷ luật thì lấy ai làm việc”. Khủng khiếp hơn là tình trạng “cua cậy càng, cá cậy vây”, “làm nghề nào, nào xào nghề ấy”. Tình trạng ấy dẫn đến hiện tượng tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tiêu cực. Một số liệu công bố trên Tạp chí Cộng sản cho thấy, trong giai đoạn 2013-2020, riêng Ngành Thanh tra cả nước đã phát hiện 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Mà đó mới là “phần nổi” của “tảng băng chìm”, vì chính những người trong cơ quan thanh tra thường rất giỏi che dấu hành vi tham nhũng, tiêu cực; nhiều sự việc có thể “ai cũng biết” nhưng không dễ xử lý vì thiếu bằng chứng.

Một bất cập không nhỏ trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là làm thế nào để dưỡng liêm đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mới chế độ đãi ngộ còn nặng tính cào bằng hiện nay, đời sống của cán bộ, công chức ở mức thấp nếu so với khu vực sản xuất kinh doanh, tư nhân. Tình trạng “không đủ sống” rất dễ các “Bao Công” của chế độ phải tìm cách có thêm thu nhập. Mà chẳng có cách nào dễ hơn từ chính công việc thường ngày của mình. Nếu chúng ta dưỡng liêm không tốt, việc mất cán bộ trong chính các cơ quan như kiểm tra, nội chính, thanh tra, kiểm toán, công an... sẽ còn tiếp tục.

Cuối cùng là rào cản văn hóa. Tâm lý cục bộ địa phương “ăn cây nào rào cây ấy” khiến cho vị bí thư, chủ tịch nào tích cực phòng, chống tham nhũng là y rằng xuất hiện tin đồn ác ý, nào là sống “ác”, nào là “đấu đá nội bộ”, thậm chí xuất hiện những tin đồn bịa đặt về đạo đức, lối sống. Đây cũng là lực cản không nhỏ đối với cuộc chiến chống “giặc nội xâm” hiện nay.

Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nhà nước. Chừng nào còn quyền lực nhà nước, chừng ấy còn tham nhũng. Ngay cả các nhà nước nổi tiếng thanh liêm trên thế giới hiện nay thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn, chỉ có điều là tỷ lệ ít hơn các nước khác mà thôi. Nói như vậy để thấy rằng, cuộc chiến chống lại “kẻ thù hung ác” của Đảng ta hiện nay, sẽ là một cuộc chiến không ngừng, không nghỉ.

Hồng Chuyên