'Kẻ mồ côi' lang thang trong vũ trụ (17/11/2012)

Từ trước tới nay nhiều nhà khoa học luôn nghĩ rằng mọi hành tinh trong vũ trụ xoay quanh các ngôi sao, bởi họ chưa bao giờ thấy hành tinh nào di chuyển tự do trong vũ trụ. Nhưng mới đây Philippe Delorme, một nhà nghiên cứu của Viện Hành tinh và Vật lý thiên văn Grenoble tại Pháp, cùng các đồng nghiệp đã phát hiện một hành tinh không xoay quanh bất kỳ ngôi sao nào. Nó di chuyển tự do trong vũ trụ bao la. Nhóm nghiên cứu gọi nó là "hành tinh mồ côi", Space đưa tin.

CFBDSIR2149, tên của hành tinh, có thể là một quả cầu khí khổng lồ to hơn sao Mộc khoảng 4 tới 7 lần. Hiện tại nó cách trái đất chừng 100 năm ánh sáng.

Dường như "hành tinh mồ côi" thuộc một nhóm hành tinh mới ra đời cùng nhau từ 50 tới 120 triệu năm trước. Chúng là một trong những nhóm hành tinh gần Thái Dương Hệ nhất. Theo tính toán của Delorme và các cộng sự, nhiệt độ trung bình trên bề mặt của nó vào khoảng 430 độ C.

Phát hiện một hành tinh lang thang không còn là tin gây sốc đối với giới khoa học. Khoảng một năm trước giới thiên văn đã phát hiện vài hành tinh như vậy. Vì thế một số nhà khoa học nghĩ rằng “hành tinh mồ côi” là loại thiên thể khá phổ biến. Thậm chí một nghiên cứu vào năm 2011 còn kết luận chúng chiếm tỷ lệ 50% trong tổng số hành tinh thuộc dải Ngân Hà. Điều đó có nghĩa là dải Ngân Hà sở hữu vài tỷ “hành tinh mồ côi”. Tuy nhiên, phần lớn chúng là hành tinh đá. Những hành tinh khí khổng lồ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Quỳnh Anh (TH)