Italy trở thành quốc gia có nhiều di sản thế giới nhất
Những bức bích họa ở T.P Padua trở thành di sản thế giới mới nhất của Italy.
Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) vừa ghi danh những bức bích họa từ thế kỷ 14 ở T.P Padua (Padova, Italy) là di sản thế giới thứ 58 của Italy. Khu vực này gồm 8 khu phức hợp tôn giáo và thế tục, nơi lưu giữ, tuyển chọn các bức bích họa được vẽ từ năm 1302 đến năm 1397. Nổi bật nhất là bích họa tại Nhà thờ Scrovegni của họa sĩ Giotto, một kiệt tác trong lịch sử hội họa ở Italy và châu Âu vào thế kỷ XIV, đánh dấu mốc khởi đầu cho sự phát triển của vẽ tranh tường.
Năm 1302 đánh dấu sự xuất hiện của Giotto ở Padua, trong khi năm 1397 là năm Jacopo da Verona vẽ các bức bích họa cuối cùng trong nhà nguyện San Michele. Dù được tạo ra bởi các nghệ sĩ khác nhau, cho các khách hàng và tòa nhà khác nhau nhưng các bức bích họa vẫn duy trì sự thống nhất giữa phong cách và nội dung. Những tấm bích họa này cho thấy cách nghệ thuật bích họa đã phát triển trong suốt một thế kỷ, cùng với sự sáng tạo và hiểu biết về biểu diễn không gian.
Đây là di sản thế giới thứ 2 tại Padua được UNESCO công nhận và là kết quả của một quá trình rất dài, bắt đầu từ năm 1996. Trước đó, Vườn Bách thảo tại Padua cũng đã được công nhận là di sản thế giới. Các bức bích họa thế kỷ 14 tại thành phố Padua trở thành di sản thế giới thứ 58 của Italy, đưa nước này trở thành quốc gia có nhiều di sản thế giới nhất.
Linh An