IS thất thủ ở Mosul: Ngày tàn của “bạo chúa”?
Quân đội Iraq không công bố thương vong của lực lượng liên quân. Tuy nhiên, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết, đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố tinh nhuệ - mũi nhọn của liên quân trong cuộc chiến Mosul, đã tổn thất 40% lực lượng. Còn T.P Mosul hiện chỉ còn là một đống đổ nát. Theo ước tính, hàng nghìn dân thường thiệt mạng và gần 1 triệu người mất nhà cửa và công cuộc tái thiết cơ sở hạ tầng cơ bản của Mosul sẽ tốn hơn 1 tỷ USD.
Với việc để mất Mosul, IS mất 60% lãnh thổ chiếm được, giảm từ 90.800km2 xuống còn khoảng 36.200km2 ở cả Iraq và Syria. Cùng với sự mất dần diện tích lãnh thổ kiểm soát, nguồn thu tài chính của IS cũng giảm mạnh. Thu nhập trung bình hằng tháng của IS giảm từ 81 triệu USD trong quý 2-2015 xuống còn 16 triệu USD trong quý 2-2017, tương đương mức giảm 80% (năm 2014, IS sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới hơn 2.000 tỷ USD cùng nguồn thu nhập hằng năm 2,9 tỷ USD). Nguyên nhân, các nguồn thu chính của IS từ khai thác và buôn lậu dầu mỏ, buôn cổ vật, trưng thu tài sản của người dân cùng nhiều hoạt động phi pháp khác đều sụt giảm.
Tình hình với IS càng thêm nghiêm trọng khi chúng lâm vào cảnh “rắn mất đầu”, bởi nhiều khả năng thủ lĩnh của tổ chức khủng bố này là tên Abu Bakr al-Baghdadi đã thiệt mạng.
Trong khi đó, tại Syria, quân đội Chính phủ Syria được sự hỗ trợ của Nga tiếp tục tấn công trên toàn lãnh thổ giành quyền kiểm soát nhiều vị trí quan trọng từ tay IS. Lực lượng Syria Dân chủ (SDF) được Mỹ hậu thuẫn đang tiến gần vào trung tâm T.P Raqqa-pháo đài lớn cuối cùng của IS. Các cố vấn quân sự Mỹ đã thâm nhập và hoạt động từ bên trong thành phố để hỗ trợ cho SDF.
Chiến thắng tại Mosul là bước tiến quan trọng của Mỹ và liên quân trong cuộc chiến chống IS tại Trung Đông. Tuy nhiên, sự bất ổn tại Iraq vẫn có thể còn kéo dài do những xung đột sắc tộc và phe phái vốn đã chia cắt đất nước này hơn một thập niên vừa qua.
Tham gia chiến dịch giải phóng Mosul có nhiều lực lượng khác nhau. Ngoài sự yểm trợ của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu, các lực lượng tham gia trực tiếp có: quân đội và các lực lượng an ninh Iraq, lực lượng dân quân Peshmerga của người Kurd, lực lượng dân quân Hashd Sha'abi của người Shiite thân Iran, các lực lượng Thiên chúa giáo và Yazidi... Sau giải phóng Mosul, các lực lượng này đều muốn được chia phần trong việc tiếp quản thành phố. Bởi vậy, thời kỳ hậu Mosul sẽ là cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa các phe phái, các cuộc xung đột sắc tộc và tôn giáo. Và nếu Baghdad và chính quyền mới tại Mosul không bảo đảm việc cai trị công bằng, không có những động thái hòa giải hòa hợp, thì mầm mống đe dọa vẫn còn đó. Khi một cộng đồng cảm thấy bị đối xử không công bằng, họ sẽ sẵn sàng ủng hộ một thế lực mới nổi lên mà không cần biết kết cục, như cộng đồng người Sunni từng chào đón IS 3 năm về trước.
Thắng lợi ở Mosul cũng không có nghĩa là sự đe dọa của IS đối với thế giới đã hết. Tư tưởng cực đoan của chúng vẫn tồn tại, chúng sẽ tiếp tục tuyên truyền thù hận qua các phương tiện truyền thông và mạng internet. Sau thất bại ở Mosul, IS chắc chắn sẽ chuyển hoạt động sang các vùng lãnh thổ khác tại Iraq và Syria, đồng thời tăng cường các cuộc đánh bom liều chết ở các thành phố của Iraq, đặc biệt là Thủ đô Baghdad. IS cũng sẽ mở rộng các hoạt động của chúng sang các nước khác ở Bắc Phi, châu Âu, châu Mỹ. Đặc biệt, Đông Nam Á hiện đang trở thành một trong những mục tiêu chính của chúng.
Để giành được thắng lợi trong cuộc chiến chống khủng bố, chống IS, cần thiết phải tập trung các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, đoàn kết các lực lượng trong một mặt trận thống nhất. Quan trọng hơn, các nước cần xử lý tốt các vấn đề an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo để không tạo “cớ” cho chủ nghĩa cực đoan phát sinh. Chiến thắng Mosul xứng đáng với những nỗ lực và sự hi sinh của người dân Iraq, tuy nhiên, thế giới vẫn cần đề cao cảnh giác với lực lượng khủng bố IS.
Đăng Song