“Im lặng là vàng”!

Tuy cũng có mặt tích cực, nhưng luật bất thành văn trong cơ chế kinh tế thị trường cũng gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Chẳng hạn như “luật phong bì”, bây giờ tràn lan… Ai cũng phê phán, nhưng dường như ai cũng “tự giác” làm.

“Im lặng là vàng” cũng vậy! Ai cũng thấy cần thiết phải đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, nhưng trong nội bộ chi bộ, cơ quan, tổ dân phố, khu dân cư của mình thì ai cũng “im lặng” vì sợ đấu tranh thì “tránh đâu”.

Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, nhận định có “30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì ai cũng đồng tình, cho là rất xác đáng. Nhưng khi kiểm điểm trong cơ quan mình, đơn vị mình thì gần như không nơi nào tìm ra 30% nói trên.

Riêng trong lĩnh vực công tác cán bộ, quy trình đề bạt, bổ nhiệm được xây dựng rất chi tiết, cụ thể, tỉ mỉ để tránh tiêu cực. Trong toàn bộ quy trình đó, không có mục nào là mục “lên gặp sếp”. Thế nhưng cán bộ chuẩn bị được đề bạt, bổ nhiệm mà không “lên gặp sếp” thì không ai yên tâm. Thậm chí, có cán bộ khi nghe tin mình sắp được đề bạt thì lên gặp rất nhiều “sếp” và gặp rất nhiều lần.

Có vị “sếp” trong ngành Tổ chức - Cán bộ còn than thở rằng: “Tôi nói anh em là họ đủ tiêu chuẩn, không cần phải gặp, thế nhưng họ vẫn sợ, vẫn cố xin gặp, gặp một lần vẫn sợ chưa xong, lại xin gặp thêm nữa”.

Nhiều người còn ví việc đề bạt, bổ nhiệm như đi chợ mua hàng, đến lượt mình được mua nhưng nếu không nhanh tay thì sẽ hết hàng... Nên luật “lên gặp sếp” hiển hiện trong cuộc sống, trở thành quy trình “không thể thiếu” trong công tác cán bộ.

Làm thế nào để hạn chế mặt tiêu cực của luật bất thành văn? Đây là công việc to lớn và không hề dễ dàng. Điều đầu tiên là mỗi công dân phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và ý thức, thái độ thượng tôn pháp luật. Tức là phải coi trọng các luật thành văn.

Các văn bản luật dù có hoàn thiện đến đâu cũng không theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của đời sống, cũng như không bao giờ có thể đề cập hết mọi ngõ ngách cần chế định cho từng cá nhân.

Ở những quốc gia được đánh giá cao về độ liêm chính của chính quyền trên thế giới, họ đều trải qua một quá trình hàng trăm năm xây dựng hệ thống pháp luật và đi kèm với nó là nỗ lực không biết mệt mỏi của Chính phủ nước đó trong giáo dục ý thức pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa.

Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội...”. Đúng vậy! Nếu văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, thì những mặt hạn chế của luật bất thành văn cũng sẽ dần dần tiêu vong!

Nguyễn Hồng