Im lặng cũng là đồng lõa (Nhân đọc bài "Chân - Thiện - Mỹ ở đâu?")

Chính kiến của Duy Tường với những lập luận sắc sảo, có lý có tình và rất văn hóa đã chỉ ra cái nhìn méo mó, thiển cận, thiếu khách quan, thậm chí xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, làm sai lệch bản chất bên thắng trận sau ngày miền Nam được giải phóng 30-4-1975, của người viết "Diệu Ly". Xin hỏi tác giả Hữu Phương hiểu như thế nào về Quân giải phóng, về QĐND Việt Nam anh hùng, về ý nghĩa của thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, về cuộc chiến đấu cam go, ác liệt của Quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, mà đang tâm dựng lên một câu chuyện xa rời thực tế, phi thực tế, phản cảm như vậy? Chỉ là dựng lên một chuyện tình rẻ tiền, nhằm câu khách, lòe thế hệ trẻ hay còn nhằm mục đích khác?
Tôi đã tham gia Quân đội hơn 40 năm, từng đánh Mỹ trên cả hai miền Nam - Bắc; có mặt trong đội hình Sư đoàn 341 trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; cùng đồng đội chiến đấu, hy sinh để góp phần giải phóng "cửa tử" Xuân Lộc, Dầu Giây... và vinh dự chiều 30-4-1975 có mặt tại dinh Độc Lập; rồi tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam... Đặc biệt là người đã từng làm nhiệm vụ quân quản thành phố Sài Gòn 2 năm sau giải phóng và chính Sư đoàn 341 - Đoàn Sông Lam của chúng tôi vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen tặng "Vào thành vững như thành"..., nên qua đọc một vài đoạn mà Duy Tường trích truyện của Hữu Phương nói về người chiến sĩ Giải phóng, nói về Sài Gòn khi đó, tôi cảm thấy như chính mình bị xúc phạm trắng trợn, thô thiển. Tôi tin rằng đồng đội tôi ngày ấy khi đọc những điều này cũng có suy nghĩ như tôi. Những anh lính Giải phóng chúng tôi ngày đó không bạc nhược, vô cảm, vô trách nhiệm trước thân phận Diệu Ly như Huy của Hữu Phương. Tôi cũng cam đoan không có một đơn vị Quân giải phóng nào lại đối xử tàn tệ với thương binh như trung đoàn của Huy và Sài Gòn khi đó không tăm tối như Hữu Phương tưởng tượng.
Tôi cũng đồng ý với nhà báo Duy Tường, vì lẽ gì truyện ngắn "Diệu Ly" được đăng trên một tờ báo T.Ư đã lâu mà trong và ngoài Quân đội không một ai động lòng? Im lặng trước sai trái cũng là sự đồng lõa! Mong rằng dư luận cần lên tiếng phê phán những sai trái, lợi dụng văn hóa văn nghệ để xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ Quân đội...; làm cho thế hệ trẻ hiểu lệch lạc, mất lòng tin vào Quân đội, vào hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ và chế độ tươi đẹp của chúng ta.
Đại tá Trần Hậu Tám - Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Tĩnh