Hy vọng G-20

Lần đầu tiên trong lịch sử, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kết thúc hôm 18-11 ở Papua New Guinea mà không có Tuyên bố chung. Mãi tới hôm 23-11, Papua New Guinea mới ra tuyên bố của nước chủ nhà APEC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tham gia tích cực hơn vào công việc của WTO. Thực tế đó liên quan tới việc các nền kinh tế thành viên APEC đã không thể nhất trí về các phần liên quan tới cải cách WTO cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Cụ thể hơn, hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang chia rẽ sâu sắc về vấn đề thương mại và đầu tư. Trong những tháng gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xấu đi sau khi hai bên áp dụng các biện pháp thuế quan trị giá hàng trăm tỷ USD đáp trả lẫn nhau.

Tại APEC vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự nhưng Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình thì có. Thay mặt ông Trump là Phó tổng thống Mike Pence, người mà theo báo chí đưa tin cũng không có cuộc tiếp xúc nào với ông Tập Cận Bình, bởi hai nước đối đáp nhau “chan chát” trong các cuộc họp ở APEC và cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu ngưng lại.

Mỹ và Trung Quốc có cơ hội để tìm được tiếng nói chung tại Argentina khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra trong hai ngày 30-11 và 1-12 tới. Nếu diễn ra theo kế hoạch, đây sẽ là cuộc gặp song phương lần đầu tiên kể từ khi hai nước khởi động cuộc chiến thương mại trong năm nay.

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là một cơ hội tốt nếu hai bên nhượng bộ nhau và có thiện chí cùng xử lý bất đồng. Ngược lại, nếu cuộc gặp bất thành, đó sẽ lại là một tín hiệu xấu hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dẫn theo nhiều hệ lụy vô tiền khoáng hậu.

Nên có niềm tin vào hy vọng các quốc gia sẽ tìm được tiếng nói chung. Cuộc gặp được lên kế hoạch giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G-20 lần này là một tín hiệu tốt. Hai bên chắc chắn đã có sẵn “cành ô-liu” trong hành trang lên đường tới Argentina bởi nếu không thì sẽ không thể lên kế hoạch cho cuộc gặp này.

Tiếng nói chung trong quan hệ thương mại tự do và chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy là điều khó tìm nhưng quyết tâm tìm được sẽ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Nguyễn Ngọc