Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Khai thác vàng làm khổ người dân

Thủ phủ vàng?
Nhắc đến cái tên Tương Dương, nhiều bưởng vàng đất Bắc nói: Đó là thủ phủ vàng. Còn một cán bộ trong ngành lâm nghiệp ở huyện Tương Dương thì nói khá chua ngoa “Mọi chỗ ở Tương Dương đều có vàng”! Hai câu nói trên khiến chúng tôi tò mò lặn lội qua nhiều xã ở Tương Dương để mục sở thị…
Từ Hà Nội chúng tôi đi đường Hồ Chí Minh lên Tương Dương. Tới thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) đi ngược về phía Lào theo QL7 đến ngã ba giao QL7 với QL 48C ngược lên thủy điện Bản Vẽ, đi theo đường rừng chúng tôi về Yên Na, qua Yên Hòa, Yên Thắng, Nga Mi… Dọc bên đường là các dòng suối nước đục ngầu, tiếng máy nổ Đông Phong vang khắp núi rừng, xé toạc không gian yên tĩnh miền rừng núi; nhấp nhô các lán trại của phu vàng; nhìn hai bên dòng suối những chiếc hố lớn nhỏ ăn sâu vào trong lòng đất, lòng suối lồi lõm bị cày xới tung… Thi thoảng có đoạn lại gặp nhóm người dùng máy hút phun nước lên máng tung bọt trắng xóa, đục ngầu.
Theo phản ánh của người dân, không chỉ ban ngày có hiện tượng khai thác vàng mà đêm xuống hiện tượng khai thác còn rầm rộ hơn. Ngoài vàng tặc, UBND tỉnh còn cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác đưa tàu làm vàng, máy xúc thủy lực, máng đãi lớn... vào khai thác vàng với quy mô lớn tại các vùng đất đồi trên địa bàn nhiều xã. DN bỏ tiền mua đất nương rẫy của dân, trả tiền theo tháng cho bản để được khai thác và sử dụng cả trẻ em, phụ nữ làm phu vàng.
Theo báo cáo của huyện Tương Dương, tính đến ngày 31-5-2013, thống kê sơ sơ thời gian qua trên địa bàn huyện có tới 18 DN (21 điểm mỏ) được cấp phép hoạt động khoáng sản và nhiều điểm mỏ vàng sa khoáng chưa khai thác nằm phân tán rải rác dọc các khe suối ở hầu hết các xã; vàng đồi chủ yếu ở khu vực bản Xàn, bản Huổi Cọ xã Hữu Khuông, khu vực đồi Phu Phen thuộc các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng… Điểm nóng của vàng tặc xảy ra hầu hết trên các địa bàn này. Hiện, những con khe Huổi Nguyên, Chà Hạ, Khe Líp… và thượng nguồn dòng sông Lam đều trở nên dị dạng.
Cán bộ y tế tăng cường về Trạm y tế xã Yên Thắng, ông Lìm Văn Thắng nói: “Từ khi bọn khai thác vàng đến đây, nhiều phần đất rừng và đất canh tác của dân đã bị đổ xuống sông khiến cho sông suối bị lấp đầy. Ngày trước tôi còn bé, khi xã Yên Thắng chưa có đường vào (QL48c chưa làm-PV) hầu hết người dân chở bệnh nhân đi theo khe Huổi Nguyên để đến trạm y tế khám chữa bệnh.
Ông Thắng cũng cho biết, “Khe Huổi Nguyên ngày trước trong lắm, nhưng giờ sông không dùng được, không tắm được, khiến cho trạm y tế và người dân dọc bên suối cuộc sống, sinh hoạt rất khổ sở. Trạm y tế hàng ngày phải đi mua từng thùng nước, cách xa vài km bên kia khe Chon với giá 3.800 đồng/m3. Có lúc chưa mua kịp nước, có sản phụ đến đẻ, cán bộ y tế xã không có nước nước để rửa tay…”!
Còn một người dân bên chân cầu Xiềng Líp, thuộc địa phận xã Yên Hòa chua chát nói: “Đã có hiện tượng trâu bò uống phải dòng nước khe Chà Hạ rồi lăn đùng ra chết”...

Truy quét, kiểm soát như “bắt cóc bỏ đĩa”!
Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các xã địa bàn có vàng đều cho rằng: Tại địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên khi lực lượng công an, dân quân xã vào truy đuổi thì những người khai thác vàng đã rút và giấu máy vào rừng sâu.
Nói về vấn đề truy quét “vàng tặc”, chánh văn phòng UBND huyện Tương Dương Quang Văn Đặng cho hay: “Khi đi kiểm tra thì bọn “vàng tặc” lại di chuyển máy móc đi nơi khác nên không bắt được. Khi Đoàn kiểm tra đi khỏi thì bọn “vàng tặc” lại kéo máy ra làm…(?!). Ông Đặng cũng thông tin, về DN khai thác vàng hiện trên địa bàn huyện có 2 DN thăm dò khai thác, trong đó có 1 DN mới trả giấy phép (Công ty CP khoáng sản Hợp Vinh-Nghệ An), 1 DN đang làm công tác hoàn thổ môi trường (Công ty CP Trung Tín). Theo ông Đặng thì Công ty Trung Tín khi thăm dò khai thác làm rất ẩu.
Tại báo cáo của huyện Tương Dương cũng chỉ ra “phần lớn các tổ chức được cấp phép hoạt động khai thác vàng chưa ký quỹ phục hồi môi trường kéo dài từ năm này qua năm khác như Công ty CP khoáng sản Việt Lào kéo dài từ năm 2009 đến 2012; Công ty CP đầu tư và Xuất nhập khẩu Bảo Lâm kéo dài 3 năm liên tiếp, từ năm 2010 đến 2013. Về việc thực hiện nghĩa vụ thuế 2 DN này và Công CP đầu tư xuất nhập khẩu đầu tư xây dựng SEV tính đến thời điểm có báo cáo (31-5-2013) chưa thực hiện kê khai thuế tài nguyên…
Còn ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản Sở TNMT tỉnh Nghệ An có vẻ mơ hồ về thông tin các doanh nghiệp khai thác vàng trên địa bàn huyện Tương Dương? Ông cho biết: Hiện nay, duy nhất chỉ còn 3 DN tỉnh cấp phép khai thác vàng trên địa bàn huyện Tương Dương. 3 DN này thì Công ty Trung Tín đang làm hồ sơ trả lại giấy phép tỉnh cấp.
Tuy nhiên khi PV đưa ra con số có tới 18 DN đang khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tương Dương, ông Toản lập luận: Có nhiều DN đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi kiểm tra họ có hoạt động đâu…?!
Khi trả lời báo chí về việc các dòng suối trên địa bàn các xã bị ô nhiễm do nạn khai thác vàng, người dân không có nước sinh hoạt, trâu bò uống nước này bị chết lâu nay chính quyền có biết? Ông Quang Văn Đặng, chánh văn phòng UBND huyện Tương Dương nhìn nhận: Về vấn đề này nhìn dòng nước đục ngầu ai chả biết!
Dù lời của ông chánh văn phòng UBND huyện Tương Dương nói biết như vậy, tuy nhiên, không hiểu sao dòng nước đục ngầu do khai thác vàng gây ra lâu nay chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn triệt để, đảm bảo cuộc sống người dân? Có lẽ câu trả lời xin nhường lại cho chính quyền, cơ quan chức năng các cấp ở tỉnh Nghệ An. Và trong lúc chờ đợi câu trả lời xác đáng này tình trạng sông suối ở Tương Dương do nạn khai thác vàng vẫn cứ diễn ra hàng ngày…
Bài và ảnh: Doanh Chính, Thanh Nghĩa